Việt Nam trong tuần: Báo động bạo lực sân cỏ ở V-League 2015
VOV.VN -Mít tinh kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng; khai mạc Hội Báo Xuân Ất Mùi 2015; khánh thành cầu Năm Căn; tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội...
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Sáng 2/2, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015).
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cách đây 85 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. 85 năm qua, dù con đường đi lên có lúc quanh co, phức tạp, nhưng do có bản lĩnh vững vàng, thực sự khiêm tốn, cầu thị, Đảng ta nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, cho nên Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; không có một thế lực nào ngăn cản được.
Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thắng lợi của công cuộc Đổi mới, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư khẳng định, trong quá trình đó, Đảng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm ra sức giữ gìn và phát huy.
Năm nay chúng ta kỷ niệm thành lập Đảng vào thời điểm đất nước ta đã trải qua gần 30 năm Đổi mới. Đó là chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước ta; đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; tạo ra thế và lực mới cho đất nước ta tiếp tục đi lên với nhiều triển vọng tốt đẹp. Điều đặc biệt là Đảng ta đã thường xuyên tiến hành tổng kết thực tiễn, từng bước bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối Đổi mới; làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2011 – 2015); năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng…; là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc.
Khai mạc Hội Báo Xuân Ất Mùi 2015
Sáng 7/2, trong không khí cả nước vui đón Tết Ất Mùi, Hội Báo xuân toàn quốc 2015 với chủ đề “Mừng Xuân, Mừng vận hội mới của đất nước” đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ - Hà Nội). Đến dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, lãnh đạo một số Bộ, Ngành trung ương và thành phố Hà Nội, cùng đông đảo người dân, khán thính giả, độc giả quan tâm đến hoạt động báo chí.
Hội Báo Xuân toàn quốc Ất Mùi là sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức. Hội báo Xuân năm nay có 65 đơn vị báo chí, tổ chức Hội ở Trung ương và các địa phương phía Bắc tham gia 120 gian trưng bày.
Hội báo Xuân là tấm gương phản chiếu toàn cảnh báo chí Việt Nam. Các loại hình báo chí với nhiều ấn phẩm, chương trình, sản phẩm báo Tết, báo Xuân, có hình thức đẹp nội dung phong phú và thiết thực. Các sản phầm báo chí trưng bày phản ánh thành tựu báo chí trong năm qua. Trong đó, tổng kết thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2014 dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của nhà nước, đưa đất nước ra khỏi khó khăn đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đối ngoại quốc phòng an ninh.
Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến chung vui cùng đội ngũ những người làm báo cả nước, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh một hồi trống khai Hội và cùng lãnh đạo các Bộ ngành trung ương cắt băng khai trương Hội báo Xuân Ất Mùi 2015 và đi tham quan gian trưng bày ấn phẩm báo Xuân của các cơ quan báo chí.
Cùng với gian trung tâm Toàn cảnh báo chí Việt Nam do Bộ Thông tin Truyền thông thực hiện, các gian khác giới thiệu báo, tạp chí in, báo điện tử, các chương trình phát thanh, truyền hình của cả nước phát hành, phát sóng trong dịp đầu xuân năm mới… Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia trưng bày những hình ảnh, phương tiện kỹ thuật, một số chương trình phát thanh tiêu biểu giúp khách tham quan hiểu thêm về quá trình phát triển của Đài suốt 70 năm qua.
Đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu của quốc gia với đầy đủ 4 loại hình báo chí là báo nói, báo hình, báo giấy và báo điện tử. Đặc biệt, được Quốc hội tin tưởng giao phó, sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 1/2015, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức phát sóng Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam được khán giả cả nước quan tâm đánh giá cao.
Nối liền đường bộ từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc
Sáng 7/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Lễ khánh thành cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới và thông xe kỹ thuật đoạn đường từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.
Trong cụm công trình này, cầu Năm Căn đưa vào khai thác, không chỉ chính thức xóa tan sự cách trở đi lại giữa đôi bờ của 2 huyện Năm Căn - Ngọc Hiển mà còn là một điểm nhấn đưa đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ đầu tiên về đến trung tâm huyện Ngọc Hiển và đến cuối năm 2015 sẽ thông xe ra đến Đất Mũi, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.
Cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, trong đó cầu Năm Căn có tổng mức đầu tư 649 tỷ đồng, thi công trong 18 tháng với chiều dài trên 800m và bề rộng 12m.
Đoạn tuyến từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn với chiều dài hơn 8 Km thiết kế với tốc độ 80Km/h hiện đang trong giai đoạn gia tải chờ lún theo quy trình thiết kế. Dự án thành phần đoạn Năm Căn - Đất Mũi và dự án cầu Năm Căn không những là công trình trọng điểm thuộc giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, mà còn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và cả tỉnh Cà Mau.
Cầu Năm Căn, không chỉ vượt sông Cửa Lớn, nối đôi bờ của 2 huyện Năm Căn - Ngọc Hiển mà còn là một điểm nhấn đưa đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ đầu tiên về đến trung tâm huyện Ngọc Hiển và theo tiến độ đến cuối năm 2015 sẽ thông xe ra đến Đất Mũi, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.
Khai trương tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài
Chiều 2/2 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đã tổ chức lễ khai trương tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Việc thiết lập và đưa vào hoạt động tổng đài này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao mô hình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel trong việc đưa tổng đài vào hoạt động và hy vọng các cơ quan chức năng trong nước sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến nhằm hiện đại hóa về hình thức, đổi mới về cơ chế để qua đó nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên, chính thức đưa tổng đài đi vào hoạt động.
Được xây dựng với sự phối hợp của Tập đàon viễn thông quân đội Viettel, tổng đài bắt đầu triển khai từ ngày 2/2/2015, hoạt động 24/24 giờ, tiếp nhận tất cả các cuộc gọi cung cấp thông tin, phản ánh yêu cầu, đề nghị giúp đỡ của các công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng đài được Viettel thiết lập dựa trên nền tảng IP contact server mới nhất do Viettel tự phát triển, cùng đội ngũ tư vấn viên được đào tạo chuyên nghiệp. Các yêu cầu của người dân sẽ được tiếp nhận thông tin và xử lý, qua đó giúp bà con thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của mình ở nước ngoài. Năng lực của tổng đài hiện có thể đáp ứng trên 1.500 cuộc gọi mỗi ngày và có thể mở rộng trong thời gian ngắn khi lưu lượng cuộc gọi đến tổng đài tăng mạnh.
Số tổng đài để công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có thể liên hệ là: +84.4.62.844.844.
Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu điều đạt 2 tỷ USD
Sáng 6/2, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2014 và triển khai công tác thu mua niên vụ 2015.
Năm 2014 là năm thành công nhất của ngành điều Việt Nam về xuất khẩu với công suất chế biến đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nâng cao giá trị chế biến để tạo lợi thế cạnh tranh, ngành điều Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD trong năm 2015. Bộ NN&PTNT cũng đã cấp cho Hiệp Hội điều Việt Nam 1 tỷ đồng để thực hiện thêm 100 điểm ghép cải tạo vườn điều trong năm nay.
Hạt điều của Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới, trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất với 30%, các nước châu Âu 25% và Trung Quốc là 20%. Như vậy, năm 2014, điều tiếp tục thuộc nhóm ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, đứng thứ tư sau lúa gạo, cao su và cà phê.
Hiện nay, cả nước có 21 tỉnh, thành phố trồng điều với tổng diện tích 311.000 ha. Bình Phước là tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước với 135.000 ha. Để ngành điều phát triển bền vững, Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị giữ ổn định diện tích điều khoảng 300.000 ha và duy trì năng suất bình quân 1,5 tấn/1ha.
Kiểm lâm Bắc Ninh bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng?
Ngày 5/2, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thông tin, ngày 1/2 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh được Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công An chuyển giao xử lý 42 cá thể tê tê Java vận chuyển trái phép tại địa bàn tỉnh.
Ngày 2/2, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ngay lập tức ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng vi phạm đồng thời tiến hành bán đấu giá toàn bộ số tang vật tê tê ngay trong đêm.
Theo ENV, động thái này của UBND tỉnh Bắc Ninh không những vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ động vật hoang dã mà còn làm giảm ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm, biến cơ quan chức năng trở thành một mắt xích trong việc đưa động vật hoang dã “bất hợp pháp” trở lại lưu thông trên thị trường với danh nghĩa “hợp pháp”.
Liên quan đến vụ việc, chiều 5/2, trả lời VOV.VN, ông Lê Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời điểm đó, các cá thể tê tê Java ở tình trạng sức khỏe yếu, không có khả năng cứu hộ được nên phải tiến hành giải tỏa. Việc tiến hành kiểm tra sức khỏe của các cá thể tê tê này có sự giám sát và kiểm tra của Chi cục Thú ý và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật của Bộ NN&PTNT.
Về thông tin bán đấu giá, ông Minh phủ nhận. Theo ông Minh, sau khi tham khảo về giá cả ở trên mạng, cơ quan chức năng thông báo cho một số cơ sở có giấy phép kinh doanh đến mua. Số tiền này đang được tạm giữ.
Còn quan điểm của ENV, tê tê Java và tê tê vàng đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép, Chính phủ đã nâng cấp độ bảo vệ cả hai loài tê tê của Việt Nam và hiện nay chúng được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Ban Bí thư ra chỉ thị về tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội
Văn phòng Trung ương Đảng vừa công bố Chỉ thị số 41- CT/TW, ngày 05/02 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân; giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh người có công với dân, với nước, đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, các loại hình lễ hội được tổ chức với tần suất cao, mật độ dày. Việc tổ chức lễ hội còn thiếu tính sáng tạo và hấp dẫn, gây quá tải ở một số điểm di tích, khu danh thắng, nơi tổ chức lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có nhiều bất cập. Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa tốt. Tình trạng đốt nhiều hàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định còn phổ biến; vệ sinh môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng không tốt mỹ quan nơi thờ tự, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng. Việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém…
Trước tình hình trên, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, lễ hội đón Tết Nguyên đán, vui Xuân Ất Mùi, các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm 2015 và những năm tiếp theo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phù hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.
Giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội h oá các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội hợp lý, lành mạnh; ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt độ ng trái pháp luật…
Bạo lực sân cỏ gây "mưa" thẻ đỏ ở vòng 6 V-League 2015
Vòng 6 V-League đã lập kỷ lục về thẻ phạt trong mùa giải 2015 với tổng cộng 41 thẻ phạt được các trọng tài rút ra. Trong số đó, có tới 5 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra. Số thẻ đỏ này bằng với 5 vòng đấu trước cộng lại. Con số thẻ vàng cũng nằm ở mức kỷ lục: 36 thẻ vàng cho 7 trận đấu (trung bình 5 thẻ vàng/trận).
Đáng chú ý là trận đấu sớm giữa Đồng Tháp và QNK Quảng Nam có tới 2 thẻ đỏ, đều giành cho các cầu thủ Quảng Nam. Đó là các trường hợp bị truất quyền thi đấu của Ngọc Huyên và Hoàng Vissai, khiến đội khách Quảng Nam thúc thủ 0-3 trước Đồng Tháp.
Trận đấu tâm điểm của vòng 6 giữa Than Quảng Ninh và HAGL cũng xuất hiện nhiều pha bóng bạo lực. Điển hình là trường hợp Minh Tùng đạp bóng từ đằng sau đối với Hoàng Thiên, dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp. HLV Đinh Cao Nghĩa (Than Quảng Ninh) thừa nhận đội bóng đất Cảng đã phải nhờ đến may mắn mới có thể giành chiến thắng trong thế thiếu người.
Trên sân Hàng Đẫy, tiền đạo mới trở lại sau nỗi đau mất con là Hoàng Vũ Samson chỉ có thể chơi trọn vẹn 1 hiệp đấu, trước khi phải nhận thẻ đỏ rời sân. Chủ nhân của chiếc thẻ đỏ cuối cùng của vòng 6 là Gomes sau pha phạm lỗi với cầu thủ Hải Phòng. Có một chi tiết khá thú vị ở vòng đấu này: Ngoại trừ QNK Quảng Nam ra thì các đội bị “dính” thẻ đỏ đều giành chiến thắng.
Lượng thẻ tăng đột biến trong vòng 6 báo động “bóng ma bạo lực” có thể đang trở lại V-League./.