VN trong tuần: Hoang mang vì thông tin nước mắm chứa asen của Vinastas

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu xem xét cụ thể việc chấp hành pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của VINASTAS, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có)

Chiều tối 22/10, Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm tra nước mắm. Theo đó, 100% mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không có asen vô cơ.

Bộ Y tế khẳng định: Các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho Asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống và công nghiệp.

Trước đó, chiều 22/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc thông tin về chất lượng nước mắm.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí đối với trường hợp nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo kết quả xử lý trước ngày 10 tháng 11 năm 2016.

Cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống

Thông tin về nước mắm chứa asen được Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố ngày 17/10 cho hay: Có tới gần 70% mẫu trong số 150 mẫu nước mắm có tổng lượng asen (tức là thạch tín) không đạt so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thậm chí, Hội này còn nhấn mạnh: "Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm thạch tín càng tăng" nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. 

Liên quan đến vấn đề này, hôm cuối tuần, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và các hiệp hội nước mắm: Nha Trang, Phan Thiết - Bình Thuận, Phú Quốc đã gửi văn bản kiến nghị "kêu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Theo văn bản kiến nghị khẳng định: "Công bố của Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và asen vô cơ rất độc". Do đó, các hiệp hội cho rằng, việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, nếu không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển.

Với tuyên bố một cách chung chung asen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng hoang mang và có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống.

Sở có 44 cán bộ, 2 nhân viên: Thủ tướng yêu cầu Thanh tra

Theo công văn của Văn phòng Chính phủ ngày 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo chí phản ánh việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan và báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/11/2016.

Trụ sở Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương

Theo phản ánh của báo chí, Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì có tới 44 người là lãnh đạo.

Về vụ việc này, sáng 22/10, trả lời báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc – Đoàn Đồng Nai cho rằng, đưa ra số liệu của một mô hình như thế thì đúng là hình ảnh hài hước.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Việc bổ nhiệm tràn lan như thế thì trách nhiệm vẫn thuộc về người đứng đầu các tỉnh.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, khi cấp dưới của mình bổ nhiệm không đúng, Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Sở Nội vụ hoàn toàn có quyền rà soát và xem xét lại việc bổ nhiệm đó có đúng và đạt yêu cầu hay không?.

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV 

Ngày 20/10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế -xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp) vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án, 1 nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết.

Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.

Quyết định về đặc xá năm 2016

Ngày 17/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN về đặc xá năm 2016.

Quyết định đặc xá gồm 7 Điều, trong đó có quy định thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân thời gian đã chấp hành án phạt tù... để xét đặc xá tính đến ngày 30/11/2016.

Cũng theo quyết định này, các đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác, các đối tượng có từ 02 tiền án trở lên; đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia sẽ không được xét đặc xá trong năm nay.

Tai nạn máy bay tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Vào lúc 8h ngày 18/10, máy bay EC-130T2, số hiệu VN-8632 của Trung tâm Huấn luyện (thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18) trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, đã gặp sự cố bất ngờ và xảy ra tai nạn. Trên máy bay có 03 phi công đều đã hy sinh.

Ngay sau khi máy bay gặp nạn, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn đã được triển khai quyết liệt, dồn toàn lực, với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.


Sau hơn 1 ngày, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã tìm thấy máy bay và thi thể 3 phi công tại khu vực núi Bao Quan, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. 3 phi công đã hy sinh gồm: Đại uý Dương Lê Minh, giáo viên bay; Trung uý Đặng Đình Duy, học viên bay; Trung uý Nguyễn Văn Tùng, học viên bay.

Cùng ngày, căn cứ ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 18 đã ký Quyết định truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho đồng chí Dương Lê Minh, từ Trung úy lên Thượng úy cho 2 đồng chí Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng.

Ngày 20/10, Chủ tịch nước đã ký Quyết định Số 2253/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Thiếu tá Dương Lê Minh; truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Thượng úy Đặng Đình Duy và Thượng úy Nguyễn Văn Tùng. Bộ Quốc phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 03 phi công tổ bay EC-130T2, thuộc Trung tâm Huấn luyện, Binh đoàn 18 là liệt sĩ.


Ngày 21/10, Lễ truy điệu 3 đồng chí phi công được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 4, quận Gò Vấp,TP.HCM.

TP.HCM công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường 

Ngày 18/10, UBND TP.HCM đã công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, sau khi xem xét các yếu tố liên quan và đề nghị của Sở Y tế, UBND TP.HCM đã quyết định công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô cấp xã, phường tại hai địa phương gồm phường Hiệp Thành, quận 12 và phường An Phú, quận 2.

Ngày 15/10 Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện thêm 2 ca mới nhiễm virus Zika tại 2 phường này, nâng tổng số ca nhiễm virus Zika trên địa bàn thành phố lên 4 ca.

Cùng với công bố dịch, UBND TP.HCM yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Công khai các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Bộ Công thương vừa công bố hàng loạt các dự án thuộc 7 tập đoàn, công ty có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong thông báo phát đi chiều 20/10, danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được Bộ Công thương công bố, bao gồm:

1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh;

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau;

3. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền;

4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình;

5. Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO;

6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng;

7. Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên