VOV bình chọn 10 sự kiện trong nước nổi bật 2011
Những sự kiện chính trị- kinh tế- văn hóa- xã hội nổi bật năm qua, theo quan điểm của Đài Tiếng nói Việt Nam.
1. Đại hội Đảng lần thứ XI mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 đến 19/1/2011 tại Thủ đô Hà Nội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2011 – 2020. Đại hội cũng đã thông qua những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015 nêu trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ 12-19/1/2011 tại Hà Nội |
Đại hội cũng bầu ra Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư. Thành công của Đại hội XI thực sự tạo niềm tin tưởng, phấn khởi cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nghị quyết Đại hội XI đã và đang được triển khai đi vào cuộc sống, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới năng động và phát triển.
2. Bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016
Ngày 22/5, cử tri cả nước đã đi bầu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đây là lần đầu tiên bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân ba cấp được tổ chức trong cùng một ngày. Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt trên 99%. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, ông Trương Tấn Sang được bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng được bầu lại làm Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với tỷ lệ phiếu rất cao. Điều này thể hiện sự tin tưởng và hy vọng của đại biểu và cử tri vào đội ngũ lãnh đạo mới tiếp tục đưa đất nước không ngừng phát triển.
Bầu cử- ngày hội lớn của dân tộc |
3. Việt Nam tích cực, chủ động đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, thúc đẩy hợp tác, đối ngoại để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Năm 2011, các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương sôi động của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thể hiện sự tham gia đầy đủ của nước ta vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ 11-15/10/2011 |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới một số nước, tạo dấu mốc và động lực quan trọng với nhiều cam kết và hành động cụ thể giữa các bên. Cùng với đó là việc Việt Nam tích cực chủ động tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng và thể hiện quan điểm rõ ràng của mình, trong đó có các hội nghị về vấn đề Biển Đông.
4. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt khoảng 6%. Đây là một trong những thành công của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực của Việt Nam đạt mức 41,5 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt trên7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu chính là điểm nhấn của nền kinh tế Việt Nam |
Năm nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015 cấp quốc gia, trong đó kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực trong dài hạn trước áp lực gia tăng dân số, thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2011 tiếp tục được các nhà tài trợ ghi nhận và đánh giá cao.
5. Việt Nam quyết định tái cơ cấu nền kinh tế
Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI họp từ ngày 6-10/10/2011 đã thông qua các văn kiện quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước 5 năm giai đoạn 2006 – 2010 và năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2012. Hội nghị quyết định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.
Tái cơ cấu ngân hàng là công việc khó nhất trong 3 yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế |
6. Miền Trung và ĐBSCL chìm trong mưa lũ – Việt Nam đối diện thách thức biến đổi khí hậu
Lũ, lụt dồn dập trong các tháng 10 và 11 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, làm hàng chục người chế và mất tích, thiệt hại về vật chất lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân vùng bị lũ lụt trong đó có việc cấp gần 500 tỷ đồng và 1.300 tấn gạo cho các địa phương bị thiệt hại để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất.
Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về người và của ở miền Trung và ĐBSCL |
Nhiều hội nghị cũng như nhiều tổ chức đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Và nếu không có những chiến lược rõ ràng và từng bước thực hiện nghiêm túc, chắc chắn, thiệt hại từ thiên tai, dịch bệnh… đối với nước ta sẽ không dừng lại ở những con số trong những năm vừa qua.
7. Hồi hương thành công hơn 10.000 lao động Việt Nam tại Libya.
Ngày 15/1, thành phố Benghazi của Libya chấn động bởi cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn của hàng nghìn người chống Chính phủ của ông Muammar Gaddafi. Tại quốc gia này, có khoảng 10.400 lao động Việt Nam đang làm việc ở các công trường xây dựng. Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng ban, sơ tán lao động Việt Nam khỏi Libya và đưa về nước. Có 8.728 lao động trở về trên 9 chuyên cơ và hơn 1000 lao động trở về Việt Nam bằng đường thủy.
Các lao động từ Libya về đến sân bay Tân Sơn Nhất an toàn hôm 26/2 |
Việt Nam là Quốc gia đầu tiên hoàn thành việc hồi hương lao động ra khỏi lãnh thổ Libya. Các ngành chức năng, địa phương và nhiều doanh nghiệp đã có những hỗ trợ tích cực đối với những lao động sau khi về nước.
8. Lần đầu tiên Việt Nam nhìn nhận tai nạn giao thông là quốc nạn với hơn 11.000 người chết/năm
Nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực và kiên trì thực hiện nhiều giải pháp nhưng hàng năm thảm họa từ các vụ tai nạn giao thông vẫn giáng xuống hàng vạn gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Quốc hội đã ra nghị quyết với mục tiêu từ năm 2012, mỗi năm giảm từ 5% đến 10% số vụ cũng như số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.
Vấn đề giao thông ở nước ta ngày càng trở nên nóng bỏng |
9. Việt Nam có nhiều di sản được quốc tế vinh danh
Việt Nam hiện có hàng chục di sản vật thể và phi vật thể được vinh danh ở tầm thế giới. Năm nay, thành nhà Hồ, hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản thế giới, vịnh Hạ Long được tổ chức New Seven Wonders bình chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Các di sản này một lần nữa khẳng định sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy Việt Nam mở rộng giao lưu với nền văn hóa của các nước trên thế giới, thu hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu đến với Việt Nam và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long- niềm tự hào của Việt Nam |
10. Một kỳ SEA Games thành công cùng những hy vọng và cả băn khoăn về nền thể thao nước nhà
Với 288 huy chương các loại, trong đó có 96 HCV, đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 3 chung cuộc tại Seagames 26 tổ chức ở Indonesia, vượt xa chỉ tiêu đặt ra trước ngày lên đường là 70 huy chương vàng. Đặc biệt, sự vươn lên của các vận động viên Việt Nam ở những môn thể thao Olympic và sự xuất hiện của một lớp VĐV trẻ nhiều tiềm năng như các kình ngư Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên mang đến cho người hâm mộ nước nhà niềm hy vọng mới.
Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 26 |
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải bàn, trong đó có sự yếu kém trong đào tạo vận động viên trẻ, việc đầu tư chưa đầy đủ cho những vận động viên đỉnh cao, đặc biệt là sự yếu kém ở môn thể thao vua là bóng đá./.