Vụ trâu chọi húc chết người: Cần bỏ ngay những lễ hội bạo lực!
VOV.VN - Lễ hội chọi trâu ngoài tính bạo lực còn kéo theo nó hàng loạt vấn nạn như cờ bạc, đỏ đen, rượu chè, ẩu đả, mất trật tự an toàn xã hội...
Như VOV.VN đã đưa tin, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng hôm 1/7 đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng và vô cùng đáng tiếc, trâu chọi đã húc chết chính chủ nhân của nó. Sự việc này đã dấy lên lo ngại về những lễ hội mang tính bạo lực đang không chỉ gây phản cảm trong nhận thức xã hội mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người.
Hình ảnh này sẽ ám ảnh nhiều người trong thời gian dài. |
Dù sau sự cố đáng tiếc, Bộ VHTT-DL đã có công văn yêu cầu tạm dừng lễ hội chọi trâu, nhưng đa phần dư luận lên tiếng ủng hộ việc loại bỏ ngay tức khắc trò chơi dân gian này vì quá nguy hiểm. Bởi nếu không may, con trâu “điên” kia xổng ra ngoài thì không biết nó còn gây ra bao nhiêu hậu quả đáng tiếc nữa.
Thời gian qua, có rất nhiều lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm đã bị loại bỏ, được dư luận đồng tình ủng hộ, đơn cử như lễ hội đâm trâu, chém lợn… Có thể, trong một giai đoạn lịch sử nào đó, để khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, khí thế chống giặc ngoại xâm, mà ông cha ta đã tổ chức những lễ hội như vậy để khích lệ tinh thần khanh tướng. Ngày nay, những lễ hội như chọi trâu dù được cho rằng mang tinh thần thượng võ nhưng nó không còn phù hợp, chỉ mang đến cho người dự hội máu ăn thua, chuộng bạo lực.
Một đặc trưng dễ thấy, bất kỳ lễ hội nào, đặc biệt là những lễ hội với những trò chơi mang tính đối kháng, cạnh tranh cũng có những tệ nạn đi kèm như cờ bạc, rượu chè, cá cược... Chọi trâu Đồ Sơn cũng vậy. Việc đặt cược vào những chú trâu chọi không còn là chuyện lạ. Cảnh người cười ha hả vì thắng cược, kẻ sạt nghiệp khóc hu hu sau mỗi trận cũng không phải là hiếm. Tư tưởng ăn thua, sát phạt, xô xát… cũng từ đây mà ra.
Đáng nói nữa, sau mỗi mùa thi đấu, dù trâu thắng hay thua cũng bị xẻ thịt bán với giá "cắt cổ", lại là cơ hội để không ít kẻ máu me cờ bạc, nhậu nhẹt có cơ hội thể hiện, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ liên quan đến an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông…Nếu vẫn để những lễ hội này tồn tại thì vô tình đã tiếp tay cho những loại cờ bạc trá hình phát triển.
Còn nhớ, năm 1995, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị cấm đốt pháo trong dịp Tết nguyên đán cũng đã vấp phải sự phản đối vô cùng lớn. Thế nhưng, cái được lớn nhất là chúng ta không còn phải chứng kiến những vụ nổ pháo kinh hoàng khiến nhiều người mất mạng, tàn tật; nhiều người đi đường không còn phải chịu cảnh “kinh hồn bạt vía” bởi trò đốt pháo ném vào người khác của đám trẻ choai choai. Bù lại, người dân Việt Nam đã tìm ra nhiều cách thú vị, ấm cúng để đón giao thừa. Cấm đốt pháo đón giao thừa có thể gây hụt hẫng trong giây phút đón giao thừa vài năm đầu, nhưng đến nay, sau hơn 20 năm cấm đốt pháo, ai cũng phải công nhận cái được nhiều hơn mất.
Xã hội hiện nay đã quá thừa bạo lực. Ra đường va chạm nhẹ hay thấy điều gì đó không hài lòng là nhiều kẻ sẵn sàng lao vào đâm chém, đoạt mạng người khác. Bạo lực đặc biệt gia tăng vào những dịp lễ tết. Đơn cử dịp Tết nguyên đán hàng năm, có hàng nghìn người nhập viện vì đánh nhau. Vậy nên, những trò chơi dân gian, lễ hội cổ xuý cho bạo lực cần bị loại bỏ khỏi đời sống vốn đã có quá nhiều bạo lực như hiện nay./.
Bộ VHTT&DL làm việc với Hải Phòng về việc trâu chọi húc người tử vong
Hải Phòng tạm dừng Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017