Yêu cầu dừng dự án du lịch trên đèo Hải Vân
VOV.VN - Trong tuần, dư luận đặc biệt quan tâm và bày tỏ ý kiến không đồng tình với dự án của nhà đầu tư Trung Quốc trên đèo Hải Vân.
Yêu cầu dừng dự án du lịch của nhà đầu tư Trung Quốc trên đèo Hải Vân
Những ngày gần đây, dư luận lên tiếng phản đối về việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Wold Shine” cho Công ty Cổ phần Thế Diệu, có vốn đầu tư của Trung Quốc. Chiều 20/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo thông tin về dự án này. Ngày 21/11, Bộ Quốc phòng đã cử Đoàn công tác vào khu vực Cửa Khẻm, đèo Hải Vân để khảo sát, kiểm tra thực tế.
Rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại và đề nghị dừng ngay dự án này. Phía thành phố Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lên tiếng không ủng hộ, đồng thời kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ thu hồi việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án này.
"Phương châm với Trung Quốc là vừa hợp tác, vừa đấu tranh"
Chiều 19/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đề nghị cho biết quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề biển Đông và Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tôi xin khái quát với đại biểu 6 chữ, đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh không chỉ đối với Trung Quốc, để có hòa bình, ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, để có cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng, để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước đã ghi trong Hiến pháp của nước ta”.
Chiều 18/11, tại Đà Nẵng, sau hai ngày làm việc tích cực với gần 40 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 đã thành công tốt đẹp.
Tại Hội thảo này, một số đề xuất cụ thể đã được các học giả nêu ra như: Xây dựng quy tắc ứng xử nhằm củng cố việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông; đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm giải thích Điều 5 của Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xác định rõ những hành động của các bên cần được khuyến khích, cho phép, những hành động cần kiềm chế thực hiện để đảm bảo không làm thay đổi nguyên trạng và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
“Tiền lương mới đáp ứng 60% mức sống tối thiểu“
Tại phiên chất vấn sáng 19/11, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đồng ý với ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%. Lần nâng lương này, mặc dù Nhà nước dành 11.000 tỷ đồng nhưng cũng chưa thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề tiền lương.
Trong phương án có lộ trình tiến đến 2015, 2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách khi trình với Bộ Chính trị thấy rằng chúng ta phải từng bước tính theo khả năng ngân sách. Vì vậy, qua 2 lần trình, Trung ương đã thảo luận và thấy rằng trước mắt phải dãn lộ trình, và chưa đạt tới lộ trình tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.
Số liệu này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra tại phiên trả lời chất vấn tại Hội trường sáng 18/11.
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong từng cơ quan đơn vị chưa đồng đều; việc bố trí phân công công tác đối với từng cán bộ chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, có cơ sở đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức viên chức chưa cao, vẫn còn tồn tại tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, nể nang trong công tác đánh giá, sợ đụng chạm.
40% kiểm soát viên không lưu trình độ trung bình, yếu
Chỉ trong vòng 3 tuần (từ 29/10 - 20/11) đã xuất hiện liên tiếp hai sự cố đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn hoạt động bay. Trong những sự cố này có liên quan đến việc hiệp đồng phối hợp điều hành bay giữa hàng không dân dụng và lực lượng không quân.
Và theo kết quả tự đánh giá nội bộ của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã cho thấy, có 40% đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ trung bình và yếu, trong đó 8% là năng lực yếu.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông an toàn tuyệt đối
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc do nhà thầu Trung Quốc thi công, đường tàu được thiết kế với tốc độ bình quân khoảng 40 km/h, cao nhất 60km/h. Dự án sử dụng công nghệ mới nhất của Trung Quốc.
Để đảm bảo an toàn hơn cho dự án này không chỉ trong quá trình thi công còn đặc biệt chuẩn bị trong quá trình khai thác và vận hành sau này, Bộ GTVT cam kết khi dự án hoàn thành phải tổ chức nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật, đúng thiết kể để đảm bảo tuyệt đối an toàn, lấy tiêu chuẩn an toàn là số một sau đó mới tính đến vấn đề hiệu quả.
“Quản lý thị trường phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón”
Đây là một hiện tượng có thật của lực lượng QLTT đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 17/11.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết do công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường dù đã có cố gắng, nhưng phương tiện, công cụ vừa yếu, vừa thiếu, trang thiết bị không đầy đủ nên đấu tranh chống lại hiện tượng này hiệu quả không cao. Đi kiểm tra còn thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm, thiếu thiết bị đánh giá chất lượng. Thậm chí, “để có thể xác định chất lượng phân bón trên thị trường, khá nhiều nơi, cán bộ chi cục QLTT đã phải thử bằng miệng, tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là một hiện tượng có thật, xin báo cáo Quốc hội như vậy”.
Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền – cựu Uỷ viên Trung ương Đảng – cựu Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, trong thời gian đương chức và khi về hưu, ông Truyền mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu TP HCM và tỉnh Bến Tre thu hồi nhà, đất có sai phạm của ông Trần Văn Truyền trên địa bàn.
Nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ quyết định này và cho đây là việc làm tạo cho nhân dân lòng tin vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta với vấn nạn tham nhũng.
Phạt NXB in hình diễn viên Công Lý lên bìa sách luật 252 triệu đồng
Liên quan đến việc cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội liên kết xuất bản với nhà sách Lao động, có sử dụng hình ảnh diễn viên Công Lý bị cắt ghép phản cảm làm bìa khiến dư luận bức xúc, chiều 19/11, Cục Xuấn bản In và Phát hành đã họp bàn với lãnh đạo Bộ TT&TT và đưa ra quyết định xử phạt hành chính đối với NXB Lao Động - Xã Hội trong vụ sai phạm khi xuất bản cuốn sách này.
Theo đó, tổng số tiền NXB này phải nộp phạt là 252 triệu đồng./.