Bộ Công an tổ chức xin lỗi hai doanh nhân bị bắt sai
VOV.VN - Tiếp nhận lời xin lỗi từ đại diện Bộ Công an, nhưng một trong hai doanh nhân ở Bình Dương không nhận bồi thường.
Sáng 5/3, tại Bình Dương, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tổ chức xin lỗi ông Bùi Mạnh Lân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất- Thương mại Hưng Thịnh (viết tắt Công ty Hưng Thịnh Bình Dương), ông Phạm Văn Hướng (Phó Tổng giám đốc công ty).
Cơ quan này cho rằng, khi điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2003, đã bắt tạm giam ông Lân 41 ngày, ông Hướng 63 ngày mà "không có lệnh hợp pháp".
Đại diện Bộ Công an tặng hoa xin lỗi ông Lân và ông Hướng. |
Tại buổi xin lỗi, đại diện Bộ Công An thừa nhận, năm 2003 trong quá trình điều tra vụ án "Gây rối trật tự công cộng", điều tra viên đã thiếu trách nhiệm, chủ quan trong việc thu thập chứng cứ chứng minh và không chấp hành các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Hậu quả là đã gây ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lân và ông Hướng.
Theo đại diện Bộ Công An đây là sự việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra liên quan đến trách nhiệm thế hệ cán bộ điều tra viên trước đây thuộc Văn phòng Cơ quan Cơ quan cảnh sát Bộ Công An.
Sau khi phát hiện sai phạm, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã đề xuất kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ điều tra viên trong vụ án này. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An sẽ đề xuất bồi thường cho ông Lân và ông Hướng theo Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại 2017.
Tiếp nhận lời xin lỗi, nhưng ông Lân không nhận bồi thường vì cho rằng cần được tuyên bố oan trong vụ án chứ không phải chỉ vì việc ông bị giam giữ không đúng.
Còn ông Hướng thì nhất trí với việc bồi thường theo quy định của pháp luật về việc bị giam giữ không có lệnh hợp pháp trong 63 ngày. Ông Hướng cho rằng, phía sau sự việc oan sai có nhiều người cố tình gây ra vụ việc và đề nghị phải điều tra xử lý đối tượng này.
“Dù đã sau 17 năm nhưng nay nhận được quyết định của Bộ Công an chúng tôi rất mừng. Niềm vui đó là thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, vào ngành Công an. Cùng với sự tin tưởng, chúng tôi mong muốn, đề nghị ngành Công an làm cho rõ các vấn đề sau đó" - ông Phạm Văn Hướng cho biết.
Kết thúc buổi xin lỗi công khai, cả hai ông mong muốn Bộ Công an, cơ quan điều tra, những người đang thực thi pháp luật phải làm việc phải khách quan, trung thực để không gây oan sai cho người không có tội và xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật. Đặc biệt là những người có quyền hạn, chức trách trong thực thi công vụ nhưng có hành vi lạm quyền, làm việc thiếu khách quan trung thực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2000 do mẫu thuẫn trong làm ăn, ông Lân, ông Hướng cùng một số người khác có xảy ra tranh chấp với ông Nguyễn Viết Tạo, Giám đốc Công ty Gas Bình Dương có trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương. Vụ việc đã được công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận xử lý.
Thời điểm này, sau khi kết thúc chuyên án mang bí số Z.501 (Năm Cam và đồng phạm), năm 2002 Bộ Công an tiếp nhận đơn tố cáo của ông Tạo về việc lãnh đạo Công ty Hưng Thịnh Bình Dương thuê đàn em Năm Cam chiếm giữ tài sản của Công ty Gas.
Lúc này, ông Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án Năm Cam giao cho tổ A4 do Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang làm tổ trưởng giải quyết.
Trước đó, ông Nên cùng ông Nguyễn Tuyến Dũng (nguyên điều tra viên cao cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) được điều động tham gia chuyên án. Sau đó tiếp tục điều tra mở rộng một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó có vụ gây rối trật tự công cộng tại Công ty Gas Bình Dương.
Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng vụ án gây rối trật tự công cộng của tại công ty Gas Bình Dương có vai trò chủ mưu của ông Lân và ông Hướng. Vì vậy, ngày 29/4/2003 hai ông này bị bắt giữ khẩn cấp. Sau đó cảnh sát điều tra đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn lệnh bắt tạm giam nhưng không được phê chuẩn, nhưng hai người vẫn bị giam giữ. Đến ngày 16/8/2004, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, trả tự do cho ông Lân và ông Hướng.
Cho rằng mình bị oan trong vụ án này, ông Lân và ông Hướng đã gửi đơn khiếu nại đến Bộ Công an, Thủ Tướng Chính phủ và nhiều cơ quan chức năng khác. Năm 2011 Bộ Công an kết luận: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Lân, ông Hướng là trái quy định của Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự.
Bộ Công an sau đó đã cách các chức vụ trong Đảng, chính quyền, giáng cấp hàm và áp dụng một số hình thức kỷ luật khác đối với ông Nên và hai người khác.
Mặc dù cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang đã bị xử phạt "lạm quyền trong thi hành công vụ", tuy nhiên vẫn chưa có một cơ quan nào hoặc cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho ông Lân, ông Hướng. Chính vì vậy một lần nữa ông đã làm đơn kiến nghị.
Đến nay, sau 17 năm khi vụ án bị đình chỉ điều tra, Bộ Công an mới chính thức xin lỗi về việc hai ông bị giam giữ không có lệnh hợp pháp./.