Người phụ nữ dùng bình gas cố thủ, chống đối lực lượng chức năng
VOV.VN - Không đồng thuận việc thu hồi đất, khi bị cưỡng chế, người phụ nữ dùng gas cố thủ trong nhà, chống đối lực lượng chức năng.
Chiều 20/11, TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Thúy (SN 1971, trú ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Chống người thi hành công vụ”, theo Điều 257-BLHS.
Bị cáo Thúy tại phiên tòa sơ thẩm. |
Theo cáo trạng, sáng 29/8/2017, tổ công tác giải phóng mặt bằng liên ngành quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng diện tích đất của một gia đình trên địa bàn phường Thịnh Liệt. Việc làm là thực hiện theo Quyết định số 595/QĐ-CTUBND ngày 24/2/2017 của Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) về việc cưỡng chế thu hồi đất.
Diện tích đất bị cưỡng chế khi trên có 2 hộ gia đình sinh sống, trong đó có gia đình Nguyễn Thị Thúy. Tiến hành cưỡng chế, tổ công tác giải phóng mặt bằng của UBND quận Hoàng Mai đã công bố quyết định cưỡng chế, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình Thúy chấp hành pháp luật, theo đúng quy định.
Tuy nhiên, vì không muốn phần đất của mình bị cưỡng chế, Thúy cùng với mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Vân (bị kém mắt) khóa trái cửa cố thủ bên trong. Thúy còn chuẩn bị sẵn 2 bình gas loại 12, 14 kg, di chuyển ra ban công và lăm lăm bật lửa trong tay.
Khi một nhóm cán bộ công an mặc quân phục thuộc lực lượng cưỡng chế áp sát, Thúy chửi bới, đe dọa tổ công tác sẽ cho nổ tung tất cả. Sau đó, đối tượng ôm bình gas chạy vào nhà do bị bình xịt chữa cháy của lực lượng chức năng đáp trả.
Cùng thời điểm trên, một tổ công tác khác mặc quân phục xâm nhập vào nhà khống chế, đưa mẹ con Thúy ra ngoài để tránh việc bình gas phát nổ thì bị đối tượng cầm thanh gỗ chống trả. Sau đó, Thúy bị lực lượng công an khống chế, đưa về trụ sở.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo nhận thấy việc chuẩn bị bình gas để cản trở việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng của cơ quan chức năng. Thúy cũng thừa nhận việc cầm thanh gỗ để làm công cụ cản trở lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, bị cáo liên tục biện hộ rằng thời điểm đó rất hỗn loạn, không nhìn thấy người mặc sắc phục lực lượng công an nên không biết lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.
Tại phiên tòa, HĐXX khẳng định dù bị cáo chưa thành khẩn thừa nhận hành vi chống người thi hành công vụ như cáo trạng truy tố nhưng căn cứ vào hô sơ vụ án, lời khai nhân chứng, vật chứng vẫn đủ cơ sở xác định bị cáo phạm vào tội danh, theo quy định tại Điều 257-BLHS.
HĐXX khẳng định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm mất trật tự trị an tại địa phương, cần cách ly khỏi đời sống địa phương một thời gian nên tuyên phạt bị cáo 5 tháng tù giam./.