Xét xử vụ chạy thận: Bộ Y tế phải có trách nhiệm gì trong vụ án?
VOV.VN - Trong phiên tòa chiều nay 25/5, luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ việc và đề nghị khởi tố vụ án liên quan ông Trương Quý Dương.
Chiều 25/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bộ Y tế phải có trách nhiệm
Phiên tòa chiều nay (25/5) tiếp tục phần tranh tụng. Mở đầu phiên tòa, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương) đặt câu hỏi: "Bộ Y tế phải trả lời cho mọi người biết, có hay không quy trình, quy chế lọc máu? Từ căn cứ trên để có thể xác định trách nhiệm thuộc về ai? Nếu tìm ra được, đây sẽ là cuộc cách mạng thay máu cơ chế, tổ chức cho ngành Y để đảm bảo cho quyền lợi và sự an toàn của người dân".
Luật sư Tràn Hồng Phúc tại phiên tòa chiều 25/5. |
Tiếp đó, luật sư Phúc nêu ra các chứng cứ và lập luận để chứng minh, đơn nguyên thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập sai quy chế. Vị nữ luật sư cho rằng, vì có thể đơn nguyên thận nhân tạo thành lập sai quy chế nên rất khó để buộc tội các bị cáo trong vụ án chứ không nói riêng gì bị cáo Lương.
Nêu quan điểm, luật sư Phúc cho rằng, Bộ Y tế phải có trách nhiệm chính trong vụ án này do chưa có quy trình về nước RO ở thời điểm đó, chưa làm tròn việc kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo (BVĐK tỉnh Hòa Bình). Vị nữ luật sư cho hay, đây có thể là một trong những nguyên nhân làm 9 người tử vong trong sự cố y khoa lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Tiếp đó, luật sư Phúc dẫn lời ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế nói rằng: "Trước khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn riêng về quy trình chạy thận nhân tạo. Các quy chuẩn này được các đơn vị thống nhất với nhau theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự cố xảy ra không có quy trình". Ông Khoa cũng nói rằng, sau khi sự cố xảy ra thì Bộ Y tế mới ban hành quy chuẩn với 52 quy trình (ban hành tháng 4/2018 - pv). Theo luật sư Phúc, việc không ban hành quy trình nhưng lại quy trách nhiệm cho người khác là không hợp lý".
"Chỉ có người chết mới không có quy trình, còn tất cả chúng ta đều có quy trình" - luật sư Phúc trình bày.
Luật sư Phúc cho rằng, Bộ Y tế có cả một Vụ Trang thiết bị y tế nhưng không thể tạo ra được một tiêu chuẩn dùng chính trong ngành của mình. Khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng, Bộ Y tế mới đi kiểm tra chất lượng, đi xét nghiệm RO, xét nghiệm AAMI.
Bà Phúc cho rằng, Bộ Y tế không nên đổ lỗi cho nhà sản xuất mà phải tự nhận ra khuyết điểm của đơn vị thuộc Bộ. "Với hồ sơ vụ án như này, luật sư chúng tôi không biết phải quy trách nhiệm về ai?" - bà Phúc nói .
Luật sư đề nghị khởi tố vụ án liên quan ông Trương Quý Dương
Trong phiên tòa sáng 25/5, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bác sỹ Lương) tiếp tục khẳng định, nguyên nhân sự cố khiến 9 bệnh nhân tử vong do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước, không phải do chuyên môn bác sỹ.
Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Lương sáng 25/5. |
Ông Thiệp cho rằng, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Phòng vật tư (BVĐK tỉnh Hòa Bình) và ông Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Thiên Sơn) phải là những người chịu trách nhiệm trong vụ việc.
Luật sư Thiệp cũng đề nghị HĐXX căn cứ trên hồ sơ vụ án để tuyên Hoàng Công Lương không phạm tội thiếu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, luật sư Thiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét khởi tố vụ án hình sự về các hành vi lợi dụng chức vụ, làm giả giấy tờ và thiếu trách nhiệm đối với các ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc BVĐK Hòa Bình), Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Thiên Sơn) và ông Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư - BVĐK tỉnh Hòa Bình).
Trước đó, các luật sư cho rằng, việc Viện kiểm sát dẫn Nghị định 136/2007 của Chính phủ về việc nguyên Giám đốc bệnh viện được ra nước ngoài là không đúng. Các luật sư cho rằng, Nghị định 136 đã hết hiệu lực pháp luật, được thay thế bởi Nghị định số 07 của Bộ Công an (có hiệu lực từ 2015). Nghị định mới nêu rõ, công dân chưa được xuất cảnh khi đang bị truy cứu hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; thẩm quyền quyết định cho công dân xuất cảnh thuộc về CQĐT, VKS, tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp.
Luật sư Thiệp cho rằng, ông Dương được xuất cảnh khi đang liên quan đến vụ án có thể gây cản trở quá trình xét xử vụ án./.