50 năm Chương trình phát thanh tiếng Nhật
VOV.VN - Chương trình đã bắc nhịp cầu hữu nghị, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, để hai nước Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác và phát triển.
Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập qua hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2013), sáng 19/9, Hệ Phát thanh đối ngoại (VOV5), Đài TNVN đã tiến hành tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chương trình phát thanh tiếng Nhật (29/4/1963-29/4/2013).
Tham dự lễ kỷ niệm có Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Việt-Nhật Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Nhật – Việt tỉnh Fukuoka, ông Oshima, cùng đại diện các đơn vị chức năng Đài TNVN, thính giả Nhật Bản…
Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải trao bằng khen của Tổng Giám đốc Đài TNVN cho Chương trình tiếng Nhật |
Mở đầu Lễ kỷ niệm, Giám đốc Hệ phát thanh đối ngoại, bà Đoàn Thị Trung đã điểm lại lịch sử 50 năm của Chương trình Phát thanh tiếng Nhật. Theo bà Trung, trong 50 năm qua, dù trong hoàn cảnh nào Chương trình phát thanh tiếng Nhật cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyền truyền của mình, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân Nhật Bản đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Bà Đoàn Thị Trung nhấn mạnh: “Sự ra đời và phát triển của Chương trình phát thanh tiếng Nhật nửa thế kỷ qua đã bắc một nhịp cầu hữu nghị, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, để hai nước Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác và phát triển”.
Thay mặt Đài TNVN, Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải đã đánh giá cao những nỗ lực của Chương trình phát thanh tiếng Nhật trong quá trình truyền tải thông tin Việt Nam tới bạn bè Nhật Bản và quốc tế
Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải nhấn mạnh: “Không chỉ dừng ở vị trí của một kênh thông tin, Phát thanh tiếng Nhật của Đài TNVN còn là đầu mối gắn, duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác Việt Nam”.
Ông Vũ Hải cũng cho biết thêm, để tăng cường kết nối giữa hai nước, ngày 26/4/2004, Đài TNVN cũng đã chính thức khai trương Cơ quan đại diện tại Tokyo, mở ra thời kỳ mới về thông tin hai chiều giữa hai nước, góp phần vào việc gắn kết thính giả Nhật Bản với Việt Nam. Cho tới nay Đài TNVN đã ký thỏa thuận văn bản hợp tác với các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản như NHK, Jiji Press nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực.
Các Biên tập viên, Phát thanh viên của chương trình tiếng Nhật |
Chương trình tiếng Nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những chương trình được thành lập sớm. Ngày 29/4/1963 chương trình Tiếng Nhật đầu tiên được phát sóng với sự giúp đỡ của một số chuyên gia do Đảng Cộng sản Nhật Bản và hãng Denpa News cử sang vừa làm biên tập viên kiêm phát thanh viên.
Lúc đó, biên tập người Việt Nam chỉ có biên tập viên Bạch Vân (sau này trở thành một trong những người giỏi tiếng Nhật hàng đầu của Việt Nam), Nguyễn Thị Tuyết và Trần Tự. Vào thời gian này, Mỹ leo thang cuộc chiến tranh tại Việt Nam, dùng không quân đánh phá miền Bắc, miền Bắc chìm trong khói lửa.
Đặc biệt với phương châm: đóng cửa, bịt mồm, đánh nhừ đòn (cụ thể là phong toả các cảng, đánh phá các Đài phát thanh, tập trung ném bom ác liệt tại thủ đô Hà Nội), Mỹ dùng dùng máy bay B52 bắn phá trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam, bắn tên lửa và ném bom chín lần đài phát sóng Mễ Trì, rải bốn đợt bom vào Đài Bạch Mai. Trước tình hình đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có lúc phải ngừng phát sóng 9 phút.
Chín phút đó đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử ngành phát thanh và lịch sử chương trình tiếng Nhật. Lúc này nhiệm vụ của chương trình phát thanh tiếng Nhật là tuyên truyền tình hình chiến sự, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Tại Nhật Bản, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân Nhật Bản. Chương trình tiếng Nhật trở thành cầu nối quan trọng đặc biệt giữa nhân dân hai nước.
Trong những năm tháng này, trung bình mỗi tháng có từ 4000-5000 lá thư của thính giả Nhật gửi về ban biên tập chương trình tiếng Nhật. Tất cả các lá thư đó vừa bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, khích lệ, động viên anh chị em biên tập công tác, tiếp tục làm nhiệm vụ chính trị quan trọng, thông tin về đời sống, tinh thần lạc quan của con người Việt Nam trong thời chiến.
Và có lẽ đối với Chương trình phát thanh tiếng Nhật, tình cảm của thính giả Nhật Bản là minh chứng sinh động nhất cho tình cảm giữa hai dân tộc.
Ông Miwa Satoh, sống tại Tokyo, trong một bức thư gửi về cho chương trình phát thanh tiếng Nhật tâm sự: “Tôi chưa có cơ hội đến thăm đất nước các bạn, nhưng qua chương trình tôi được hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, về đời sống thường ngày của người dân Việt Nam. Tôi cảm nhận được sự yên bình và tươi đẹp trong đó. Các bạn có một nền văn hóa đáng tự hào, trong đó có nhiều điểm tương đồng với văn hóa đất nước chúng tôi. Có lẽ tôi muốn đến tận nơi đất nước các bạn. Chương trình tiếng Nhật thật sự là cầu nối giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước. Tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu nhau hơn”./.