5.000 người đi bộ gây quỹ ủng hộ nạn nhân da cam
VOV.VN - Hơn 5.000 người đã đi bộ đồng hành “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” tại Công viên Văn hóa Đầm Sen - TP.HCM vào sáng nay (12/8), nhân Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin và kỷ niệm 62 năm ngày thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2023).
Chương trình có ý nghĩa thiết thực này được tổ chức hàng năm thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với các nạn nhân chất độc da cam, những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cũng như góp phần vào công cuộc khắc phục hậu quả và chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ các nạn nhân da cam.
Nhân dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã trao tặng 20 sổ tiết kiệm cho 20 hộ gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, các nạn nhân da cam tham gia đi bộ đồng hành mỗi người được tặng một phần quà từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Để thể hiện tinh thần đoàn kết và san sẻ yêu thương, năm nay Ban Tổ chức cuộc đi bộ quy định các đơn vị tham gia phải cùng nắm tay nhau xuất phát, cùng đi bộ và cùng nắm tay nhau về đích. Cuối buổi đi bộ, 3 phần thưởng được trao cho 3 đội về đích sớm nhất, có các thành viên cùng nắm tay nhau về đích nhiều nhất.
Theo thống kê, TP.HCM hiện có trên 20.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng chỉ có hơn 5.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Số còn lại hưởng mức trợ cấp dành cho người khuyết tật và sự giúp đỡ, cưu mang của cộng đồng.
Bà Lê Thị Hoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM cho biết: “Hoạt động đi bộ lan tỏa sâu rộng, đã vận động được toàn xã hội giúp sức ủng hộ các nạn nhân da cam và gia đình. 15 quận-huyện trong dịp này đều có quà tặng cho các nạn nhân da cam nhằm động viên họ về tinh thần để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Sắp tới sẽ tiếp tục vận động đóng góp kinh phí xậy dựng làng Cam ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) là nơi nuôi dưỡng các nạn nhân là con em của thế hệ đầu tham gia kháng chiến, bị ảnh hưởng đến con cháu, sau này lo rằng khi bố mẹ qua đời không có người chăm sóc, để họ an lòng con mình được mọi người quan tâm”.
Từ khi được thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM đã tích cực vận động nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; nhiều trường hợp đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhiều gia đình có con em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được giúp đỡ về vật chất và động viên tinh thần đã có thể tự lực mưu sinh. Đặc biệt, các em là nạn nhân chất độc da cam được học nghề, học kỹ năng sống, trở nên tự tin hơn, không chỉ tự lo cho bản thân mà còn giúp đỡ người khác.
Bạn Phạm Thị Thu Thủy, một nạn nhân chất độc da cam tham gia đi bộ cho biết, em đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, khoa Giáo dục đặc biệt, đang là giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Thu Thủy mong muốn lan tỏa niềm vui, những điều tích cực trong cuộc sống và luôn nhận được tình yêu thương của mọi người.
“Em cảm thấy rất hạnh phúc, bởi vì năm nay đặc biệt hơn, sau biết bao nhiêu biến cố của dịch Covid-19, sức khỏe và kinh tế bị ảnh hưởng nhưng các cô chú, các nhà hảo tâm và mọi người đều chung tay chăm lo, chia sẻ, mang đến cho tụi em nhiều điều tích cực hơn, hạnh phúc hơn. Bản thân em thì đã trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt, thấy mình trưởng thành hơn. Em mới ra trường tháng 7 năm ngoái”, Thu Thủy nói.