AI giúp thanh niên khuyết tật vượt qua rào cản, có cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn
VOV.VN - Sáng nay (2/12), Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12. Chủ đề của năm nay là “Tăng cường vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vì một tương lai toàn diện và bền vững”.
Chương trình kỷ niệm với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa nhằm: Trao quyền sáng tạo và thúc đẩy hòa nhập xã hội cho thanh niên khuyết tật; Cung cấp kiến thức và kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo nội dung số, giúp thanh niên khuyết tật tự tin thể hiện bản thân và phát huy tiềm năng sáng tạo; Đồng thời, xóa bỏ rào cản, khuyến khích vượt qua giới hạn về thể chất và xã hội, khẳng định rằng, công nghệ hiện đại như AI là công cụ giúp thanh niên khuyết tật tiếp cận những cơ hội bình đẳng trong việc sáng tạo nội dung số; Định hướng cơ hội nghề nghiệp, mở ra những khả năng nghề nghiệp mới trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, giúp thanh niên khuyết tật thấy được tiềm năng phát triển lâu dài thông qua công nghệ và hoạt động Thể thao điện tử.
Trong một thế giới đang không ngừng biển đối nhanh chóng, khó lường, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi mỗi cá nhân sự hiểu biết, tri thức, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao.
Tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Văn Thành – Chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Với những tiến bộ vượt bậc của AI, thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận và tận dụng những công cụ này để vượt qua những rào cản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội thanh niên khuyết tật Việt Nam đang phối hợp với các chuyên già hàng đầu Trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam để đào tạo, nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng AI để hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật.
Chúng ta có thể sử dụng AI để hỗ trợ học tập. AI có thể cung cấp các công cụ hỗ trợ học tập cá nhân hóa, giúp người khuyết tật tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Trong giao tiếp, các ứng dụng AI có thể giúp người khuyết tật giao tiếp hiệu quả hơn, vượt qua rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý.
Cùng với đó, các thiết bị hỗ trợ di chuyển thông minh tích hợp AI có thể giúp người khuyết tật di chuyển độc lập và an toàn hơn; Sáng tạo nội dung số trên môi trường Internet.
“Tôi tin rằng, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, AI sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp thanh niên khuyết tật sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho xã hội nói chung cũng như cộng đồng người khuyết tật”, ông Phạm Văn Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, kỷ nguyên số đang mở ra những cơ hội mới cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Để tự tin vươn mình trong thời đại này, người khuyết tật cần không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số. Hội thanh niên khuyết tật Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các thanh niên khuyết tật cả nước, tìm kiếm nguồn lực, triển khai các giải pháp thiết thực để họ được tiếp cận với những kiến thức và công cụ cần thiết nhằm phát triển bản thân.