Báo động tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em thành thị
VOV.VN -Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thừa cân, béo phì là 9,6%, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu (khoảng 6,9%).
Sáng nay (25/9), tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Y-Xã hội học đã tổ chức hội thảo “Thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị tại Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình “Thực phẩm tốt vì sức khỏe”- được khởi động từ tháng 1/2013 nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức, hành vi của người dân trong lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Tham dự hội thảo có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Y Tế, Viện Dinh dưỡng, các chuyên gia đầu ngành thuộc Hội dinh dưỡng Việt Nam, Hội Y tế công cộng, các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế), các trường ĐH, Bệnh viện, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Tại hội thảo, các báo cáo liên quan đến dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam từ các nhóm nghiên cứu khác nhau được trình bày, tập trung vào trẻ em dưới 5 tuổi. Qua đó, hội thảo cho thấy bức tranh tổng thể về tình hình dinh dưỡng, khẩu phần ăn, thực trạng và can thiệp chăm sóc dinh dưỡng trẻ em đô thị tại Việt Nam.
Hội thảo “Thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị tại Việt Nam” bàn về thực trạng và giải pháp dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam tại các đô thị lớn |
Theo báo cáo “Tình hình dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam” của BS.TS Trương Hồng Sơn, Viện nghiên cứu Y-Xã hội học thì tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân trên toàn quốc của trẻ em dưới 5 tuổi là 16,2% (trên 1,2 triệu trẻ) và tỷ lệ thừa cân, béo phì là 4% (khoảng 300.000 trẻ). Theo đó, vẫn còn hơn 215.000 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và 86.000 trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân.
Nghiêm trọng hơn là tình trạng thừa cân béo phì ở một số thành phố lớn của Việt Nam ở mức cao so với trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thừa cân béo phì là 9,6%, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu (khoảng 6,9%), còn tại vùng trung tâm thành phố là 12,2%.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em đã thay đổi cả về lượng và chất, theo nghiên cứu của chúng tôi thì có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và chất béo. Điều này, một mặt giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ nhưng mặt khác làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì và là nguyên nhân của các bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…”.
Theo thống kê của Viện này, có tới 15% bà mẹ không biết con mình thừa cân và 30% bà mẹ có con thừa cân vẫn muốn con mình tiếp tục tăng cân. Đây là một số liệu đáng báo động.
Các chuyên gia đầu ngành dinh dưỡng tham gia đóng góp ý kiến cho hội thảo |
Từ những kết quả khảo sát nhanh về thực trạng chăm sóc dinh dưỡng trẻ em đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tháng 6 và 7/2013 vừa qua, BS. ThS Nguyễn Đức Minh- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y- Xã hội học cho biết: “Kiến thức và hành vi chăm sóc dinh dưỡng của bà mẹ vùng đô thị vẫn còn nhiều bất cập như chưa có hiểu biết về cân nặng nên có của trẻ, lựa chọn sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào quảng cáo…”.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vấn đề về dinh dưỡng của trẻ đó là do kiến thức, thái độ của bà mẹ với khẩu phần ăn của trẻ em còn thiếu. Từ thực trạng tình hình, các chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra định hướng các chương trình can thiệp. Theo đó, giải pháp then chốt là công tác nghiên cứu, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao kiến thức cho cộng đồng.
PGS BS Đào Ngọc Diễn nhấn mạnh: “Chúng ta can thiệp mà không phối hợp đồng bộ đa ngành với nhau thì sẽ không có kết quả tốt. Cần phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, ban ngành và các tổ chức quốc tế”.
Kết thúc hội thảo, ông Phạm Nguyên Hà (Tổ chức Y tế thế giới) chia sẻ: “Chúng ta nên tìm hiểu và học hỏi các nước khác trên thế giới trong vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ. Các ngành, tổ chức liên quan cần xem xét tổng quan các tài liệu, nghiên cứu kỹ hơn để có những thống kê, giải pháp can thiệp đặc thù với từng lứa tuổi, vùng miền”./.