Bão số 4 gây mưa, xuất hiện lũ nhỏ ở các huyện miền núi Quảng Ninh
VOV.VN -Lũ đã xuất hiện trên các sông, suối và ngầm tràn, gây nguy hiểm đến việc đi lại của người dân.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối hôm qua tới rạng sáng nay (17/8), tại một số địa phương tỉnh Quảng Ninh có mưa vừa tới mưa to. Đặc biệt, lũ đã xuất hiện trên các sông, suối và ngầm tràn, gây nguy hiểm đến việc đi lại của người dân.
Nước lũ tràn qua các đập tràn thuộc huyện Ba Chẽ. (ảnh: Dân Trí).
Mưa lớn đã khiến nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập các ngầm tràn của huyện Hoành Bồ, thành phố Uông Bí; Lũ nhỏ xuất hiện trên sông Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ từ tối qua. Đây là những huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét mỗi khi mưa lớn kéo dài nên UBND các huyện đã bố trí người trực 24/24, cảnh báo cho người và phương tiện không đi qua khu vực nguy hiểm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có lũ nhỏ, từ tối qua mưa nhỏ đến mưa vừa. Rút kinh nghiệm đợt lụt hồi tháng 7, chúng tôi đã xây dựng phương án từ phương tiện, lực lượng, người chỉ huy trực ở những điểm có nguy cơ ngập úng cần phải chủ động di dời khi có tình huống xấu xảy ra. Huyện cũng đã di bố trí kíp trực là những bác sỹ của trung tâm y tế tại 4 xã vùng cao của Ba Chẽ để xử lý các tình huống khi bị địa bàn bị chia cắt.”
Tại 25 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hạ thấp mực nước khoảng 70%, đảm bảo an toàn cho hồ chứa khi mưa lớn do bão.
Ông Đỗ Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh nói: “Hiện nay chúng tôi đã kiểm tra và đảm bảo an toàn cho vấn đề tích nước. Một số hò đầy đã tiến hành xả và cử người trực 24/24. Đáng lo nhất là tuyến đê Hà Nam dài 34 cây số. Đáng lo nhất là đê Hà Nam với 34 cây số với 8 xã và trên 6.000 hộ dân sống trong đê. Chúng ta cũng đã nâng cấp, cải tạo được 29 cây rồi nên cũng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão này.”
Trước đó, chính quyền các huyện, thị thành phố của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm túc công tác vận động, di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở; có phương án di dời người dân sinh sống trên các thuyền, bè neo đậu trong khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn; tập trung các giải pháp phòng, chống bão tại một số dự án đang triển khai; rà soát, kiểm tra lại toàn bộ phương án thoát nước, gia cố những điểm xung yếu, hạn chế tối đa tình trạng sạt lở đất đá xuống các khu dân cư và đường giao thông...
Ông Hồ Quang Huy, phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết: “Thành phố chỉ đạo tất cả các phường tổ chức trực 24/24, những điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt thì khi xảy ra tình huống thì lãnh đạo phường phải có mặt tại chỗ để đảm bảo nguyên tắc bốn tại chỗ”./. Hình ảnh: Lai Châu dồn toàn lực cho công tác khắc phục sạt lở, lũ quét