Bảo tàng chiến sỹ Cách mạng: Nơi tri ân các anh hùng liệt sỹ
VOV.VN - Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt do cựu chiến binh Lâm Văn Bảng xây dựng trên khuôn viên gia đình rộng hơn 2.000 m2.
Với hơn 3.000 hiện vật, hình ảnh, Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội là nơi lưu giữ những bằng chứng “sống” tố cáo tội ác chiến tranh cũng như ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của các cựu tù Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng 4, Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên lại thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan. Ai cũng xúc động khi xem những tư liệu về cuộc chiến tranh chống Mỹ; những hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; những tấm gương kiên trung của chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày trong nhà tù Phú Quốc.
Đặc biệt, là hình ảnh cây đinh nhỏ đựng trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ. Đây là chiếc đinh mà quân thù đã dùng để đóng vào đầu thiếu úy Đặng Hồng Sơn - đặc công hải quân tại nhà tù Phú Quốc. Ông Sơn đã anh dũng hy sinh khi bị chúng đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể. Hay lá cờ Đảng được các chiến sỹ của ta trong nhà tù Phú Quốc dùng để kết nạp Đảng viên.
Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày do cựu chiến binh Lâm Văn Bảng xây dựng trên khuôn viên 2.000 m2 đất của gia đình, với 10 gian trưng bày, tái hiện sinh động những năm tháng đấu tranh anh dũng của dân tộc. Ông Bảng chia sẻ:
Những tháng ngày bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, hình ảnh đồng đội ngã xuống vì phải hứng chịu những trận tra tấn dã man của quân tay sai Mỹ Ngụy luôn ám ảnh ông. Vì vậy, suốt 20 qua, ông đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc sưu tầm kỷ vật chiến tranh, những hiện vật gắn với đồng đội trong những tháng ngày nghiệt ngã tại nhà tù Phú Quốc để thành lập bảo tàng nhằm tưởng nhớ những người đã khuất.
Ông Lâm Văn Bảng nói: “Những hiện vật ở đây là để báo cáo với Đảng, với quân đội, nhân dân, những người chiến sỹ bị sa vào tay giặc họ vẫn kiên trung bất khuất, trung thành vô hạn đối với Tổ quốc. Đến giờ phút này, bảo tàng thực sự là nơi tố cáo tội ác chiến tranh, là địa chỉ đỏ, là nơi sưởi ấm các linh hồn liệt sỹ, là mái nhà chung của những người chiến thắng trở về, chúng tôi muốn gửi gắm lại cho thế hệ trẻ.”
Ngoài xây dựng các khu trưng bày hiện vật, năm 2003, ông Bảng cùng các đồng đội tìm về những chiến trường xưa, nghĩa trang liệt sĩ nơi thấm bao xương máu của những anh hùng liệt sỹ như Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, Đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông, nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo, Hỏa Lò… xin đất và chân hương về lập bát hương cho đền thờ liệt sĩ trong bảo tàng.
Ông Kiều Văn Uỵch, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Hiện nay, có nhiều đồng đội còn nằm rải rác trên các chiến trường chưa được về quần tụ với gia đình, quê hương chưa được hương khói nên chúng tôi mời về đây để dâng hương, dâng hoa, tri ân và mong những hương hồn các liệt sỹ được siêu thoát. Chúng tôi luôn suy nghĩ có những người đó chết thì chúng tôi mới được sống trở về.”
Sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay, Bảo tàng chiến sỹ bị địch bắt tù đày của ông Bảng đã đón hàng vạn lượt người tới tham quan. Đó là những cựu chiến binh, các cơ quan, đơn vị, địa phương và đông đảo học sinh trên cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần về thăm bảo tàng và đánh giá cao giá trị của các hiện vật cũng như việc làm ý nghĩa của các cựu tù binh ở đây.
Xúc động về việc làm ý nghĩa và tình cảm của ông Lâm Văn Bảng đối với các đồng đội, đến nay 15 người lính, cựu tù Phú Quốc năm xưa tình nguyện làm công việc bảo quản, lưu giữ hiện vật và đưa đón, phục vụ khách tham quan Bảo tàng. Năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, 30/4, thống nhất đất nước, các cựu tù Phú Quốc ở khu vực phía Bắc lại hội tụ về đây để ôn lại những kỷ niệm một thời gian khổ hy sinh, cùng thắp nén hương thơm tri ân đồng đội mình, những chiến sỹ cách mạng đã anh dũng hy sinh để giành lại độc lập tự do của dân tộc./.