Bất cập từ ồ ạt nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH
VOV.VN-Nếu không kiểm soát chặt chẽ việc nâng cấp các trường lên bậc ĐH thì đất nước sẽ không có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong những năm gần đây, vì chạy theo xu thế coi trọng bằng cấp của phần lớn người dân, nhiều trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) đã bằng nhiều cách để xin nâng cấp lên thành các trường đại học (ĐH).
Việc nâng cấp một lượng lớn các trường trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH diễn ra một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều trường khi được nâng cấp lại có nhiều ngành nghề không đúng với thực chất năng lực đào tạo dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đáp được so với yêu cầu xã hội.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nếu một trường ĐH muốn mở một ngành nào đó thì phải có ít nhất là 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ làm giảng viên. Thế nhưng trên thực tế, trong quá trình giảng dạy, nhiều trường đã không đảm bảo đội ngũ và chất lượng giảng viên so với yêu cầu đề ra. Chính từ bất cập đó, sau đợt thanh tra, giám sát và theo báo cáo của các trường ĐH thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã quyết định đình chỉ tuyển sinh 207 ngành trình độ đại học (ĐH) của 71 cơ sở đào tạo vì không đáp ứng được những quy định về số lượng và chất lượng giảng viên.
Việc ồ ạt nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH trong thời gian qua đã khiến nguồn nhân lực "đầu ra" của các trường cung cấp cho xã hội không đảm bảo chất lượng (ảnh minh họa) |
Nhiều ngành không có giảng viên cơ hữu chất lượng
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh những ngành đào tạo ĐH không đảm bảo chất lượng là việc làm thiết thực nhằm chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục ĐH.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cảnh cáo và có những đợt thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo ĐH. Thế nhưng, nhiều trường vẫn phớt lờ sự “rung chuông” của Bộ và tiếp tục tuyển sinh những ngành không có đủ số giảng viên cơ hữu (giảng viên trong biên chế cố định của trường) với đầy đủ các tiêu chí đề ra. Khi số lượng giảng viên có trình độ đào tạo không đáp ứng được yêu cầu thì chắc chắn việc giảng dạy bậc ĐH sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, sau quyết định “mạnh tay” của Bộ GD-ĐT, một số trường có tính chất đặc thù về văn hóa nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc nêu quan điểm là Bộ GD-ĐT cần xem xét lại tiêu chí giảng viên. Kiến nghị của lãnh đạo các trường này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì giảng viên những trường này thường là những người có năng khiếu điện ảnh, ca hát nhưng có thể họ chưa qua đào tạo hay cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ...
Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng, không giống nhau, giảng viên cho ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội khác với giảng viên của các ngành nghệ thuật, âm nhạc, hội họa. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến của các trường để đưa ra tiêu chí cụ thể về giảng viên cho các ngành sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Theo ông Đào Trọng Thi, việc Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến để sửa đổi tiêu chí đối với các ngành phải rất thận trọng, theo quy định của pháp luật nhằm tránh hiện tượng tượng tiêu cực theo cơ chế “xin-cho”, trường ĐH “xin” và được Bộ GD-ĐT “cho” mở ngành một cách tùy tiện, khó kiểm soát.
Hết thời gian trên, Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo của những ngành chưa khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ. Động thái này được xem như là việc làm cương quyết, cứng rắn của Bộ nhằm chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục ĐH, CĐ và thanh lọc những cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng giáo dục và lợi ích người học, vì sự phát triển xã hội.
Ông Đào Trọng Thi cho rằng, việc làm trên của Bộ là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế, các trường ĐH cần bổ sung thêm đội ngũ giảng viên theo những tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Nếu việc cập nhật số lượng và tiêu chuẩn giảng viên mà Bộ công bố chưa đúng so với thực tế của một số trường thì những trường đó nên cập nhật lại số liệu để gửi lên Bộ xem xét lại mở ngành và cho phép tuyển sinh trở lại.
Đối với những trường ĐH, CĐ có những chuyên ngành nằm trong danh sách ngừng tuyển sinh, ông Đào Trọng Thi đưa ra quan điểm là Bộ GD-ĐT và các địa phương cần hỗ trợ các trường khắc phục những điểm yếu của mình để đào tạo các ngành nghề cần thiết cho xã hội, địa phương. Ví dụ như nếu trường ĐH nào thiếu cán bộ giảng dạy thì địa phương đó cần bổ sung thêm cán bộ, thậm chí cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài cũng như có chính sách thu hút, đãi ngộ giảng viên có trình độ cao vào giảng dạy tại các trường.
Ở nhiều trường ĐH hiện nay, có nhiều giảng viên ốm đau, chuyển công tác nhưng trong suốt quá trình đào tạo, cơ sở giáo dục vẫn quan tâm đến phát triển đội ngũ giảng viên thì thời điểm 31/12/2015 để các trường này bổ sung và hoàn thiện tiêu chí giảng viên cho từng ngành là hợp lý.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi |
Ồ ạt nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH
GS.TSKH Đào Trọng Thi cho rằng, để xảy ra tình trạng hàng trăm ngành ĐH bị dừng tuyển sinh trong thời gian vừa qua là do nhiều trường CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp được nâng cấp lên trường ĐH nhưng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do Bộ GD-ĐT vẫn còn lỏng lẻo khi kiểm soát hoạt động đào tạo của các trường so với báo cáo, cam kết sau khi xin được nâng cấp hệ đào tạo.
Đào tạo trình độ ĐH khác với CĐ hay trung cấp, dạy nghề vì cần phải có những yêu cầu, tiêu chí về lý luận cụ thể. Nếu trường nào không đủ những điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất thì chưa nên xin nâng cấp lên ĐH vội. Bởi vì nếu trường chưa đủ điều kiện cần thiết mà đào tạo ở trình độ cao hơn thì nguồn lực đào tạo ra không thể phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội.
Theo ý kiến của ông Đào Trọng Thi, Bộ GD-ĐT phải kiểm soát chặt chẽ cũng như quy định trách nhiệm cụ thể đối với việc cho nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH. Nếu những trường nào đã cho nâng cấp lên ĐH rồi mà giảng dạy không đảm bảo thì có thể hạ xuống hệ đào tạo phù hợp với thực chất năng lực của họ. Những trường nào thiên về dạy nghề, thực hành và có những kinh nghiệm dạy nghề lâu năm thì cứ nên phát huy việc đào tạo như vậy. Không nên chạy theo cái mác ĐH khi mà nội dung đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đủ đội ngũ giảng viên chuyên ngành đạt trình độ để giảng dạy ĐH, CĐ.
Nhiều trường ĐH ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới quy định nếu mở một ngành nào đó thì phải có giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ trở lên. Còn ở nước ta, Bộ GD-ĐT quy định mở một ngành ĐH nào đó phải có ít nhất là 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ làm giảng viên.
Mặc dù không thể so sánh giữa giảng dạy ĐH, CĐ ở nước với những nước khác nhưng khi nước ta đang hội nhập với thế giới thì cũng cần nghĩ tới xu hướng đào tạo ĐH và yêu cầu mở ngành phải như các nước có tiền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng đào tạo cũng như mở ngành, nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH cần phải được thực hiện nghiêm túc. Việc làm này càng phải được cân nhắc thận trọng vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội và hội nhập với thế giới./.