Trường ĐH, CĐ ngoài công lập kiến nghị xóa bỏ sự “kỳ thị”
VOV.VN -Hầu hết các trường mong muốn được đối xử công bằng với những chính sách ưu đãi để phát triển hệ thống giáo dục ĐH, CĐ tốt hơn.
Một trong những nội dung quan trọng được nhiều lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập quan tâm và kiến nghị lên Bộ GD-ĐT tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập diễn ra ngày 14/3 là cần tạo sự bình đẳng, công bằng trong việc ưu tiên thụ hưởng các chế độ chính sách như được vay vốn, tiếp cận với quỹ đất để xây dựng trường, bổ sung nguồn tuyển sinh...
Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cần chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình đào tạo (ảnh minh họa) |
Cần tạo điều kiện cho các trương tiếp cận quỹ đất, nguồn vốn...
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế ĐH tư thục kèm theo Quyết định 240/QĐ-TTg, chính thức thể chế hóa sự phát triển của giáo dục ĐH ngoài công lập. Cho đến năm 2013, cả nước có 90 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH, CĐ toàn quốc. Trong quá trình hoạt động, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã góp phần nâng cao năng lực giáo dục ĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội và đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục hạn chế, mô hình giáo dục ĐH ngoài công lập đã phát huy có hiệu quả tiềm năng của xã hội, huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ nhiều thành phần và các nhà đầu tư khác nhau. Hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước trong việc đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo.
Tuy nhiên, trong khi các trường ĐH, CĐ công lập được đầu tư từ A đến Z thì các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại phải tự lo tất cả từ xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đến nguồn tuyển sinh viên để có thể tồn tại và phát triển. Việc tiếp cận các chính sách ưu tiên cho trường ĐH, CĐ ngoài công lập còn có sự bất bình đẳng, thậm chí theo như nhiều cán bộ, lãnh đạo các trường nói còn là “kỳ thị”.
Giáo sư Trần Hữu Nghị |
Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng ĐH, CĐ, Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được bình đẳng như các trường công lập. Bằng các hoạt động như cho các trường được vay vốn ưu đãi để xây dựng trường học, sân bãi, mua sắm trang thiết bị cũng như hỗ trợ đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ mạnh là Chính phủ đã góp phần giúp các trường tự đứng vững và phát triển.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình cho rằng, phần lớn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có tuổi đời còn non trẻ, không thể theo kịp với những trường có truyền thống lâu năm nên chưa thể tự đứng vững bằng nguồn lực của chính mình. Để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có thể đứng vững và đóng góp nhiều hơn cho phát triển giáo dục, Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan cần tạo sân chơi bình đẳng, công bằng cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tiếp cận những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, ưu tiên chế độ tuyển sinh…
Kiểm định chất lượng để đảm bảo nguồn nhân lực
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng quản trị trường CĐ ASEAN cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, trường ĐH, CĐ ngoài công lập phát triển rất mạnh đã thúc đẩy chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ trường ĐH, CĐ ngoài công lập ở nước ta chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH, CĐ toàn quốc là quá ít nên không thúc đẩy được phát triển giáo dục ĐH.
Vì vậy, nước ta cần mở rộng số lượng các trường ngoài công lập, với tỷ lệ chiếm tới 50% số trường. Song song với việc mở rộng mạng lưới thì Bộ GD-ĐT cần chú trọng tới khâu kiểm định chất lượng giáo dục để giám sát hoạt động của các trường ĐH, CĐ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP HCM mô tả sự hoạt động của một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay như kiểu phải chạy vòng quanh xoay sở giữa sự thiếu tiền để xây dựng cơ sở vật chất, trả lương cho giáo viên với việc duy trì sĩ số sinh viên để tồn tại. Nếu không giải quyết bứt phá vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho đất nước.
Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, ông Hồ Đắc Lộc tán thành với đề xuất cần gấp rút hoàn thành hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo để thẩm định, sàng lọc các trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập. Nếu trường nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định thì cho phép tiếp tục hoạt động, còn trường nào không đáp ứng được yêu cầu thì tự khắc sẽ bị đào thải theo như đánh giá của người học và thông qua những đợt kiểm định.
Giáo dục ĐH, CĐ phải tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nên sinh viên tốt nghiệp phải có những kỹ năng thực hành tốt. Muốn thực hiện được mục tiêu này, Giáo sư Cao Văn Phường, Hiệu trưởng ĐH Bình Dương kiến nghị Bộ cần nghiên cứu xây dựng, quy hoạch các trường ĐH, CĐ cũng như cần quy hoạch lại tên quốc tế của các trường ĐH, CĐ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quách Đình Liên |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quách Đình Liên, Hiệu trưởng ĐH Bình Dương cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phát triển rất mạnh là do nhận được sự ưu tiên của Chính phủ trong tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đất xây trường và họ có trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy vì nguồn nhân lực quốc gia.
Còn ở nước ta, hai yếu tố này chưa được chú trọng nhiều nên đã ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Vì thế, trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cần tiến hành phân tầng giáo dục ĐH, CĐ./.