Bệnh viện làm gì sau quy định 1 bàn chỉ khám 65 bệnh nhân/ngày?
VOV.VN -Quy định mới của Thông tư 15 là khám tối đa 65 lượt/bàn khám/ngày khiến nhiều bệnh viện (BV) tuyến trên phải sắp xếp để bệnh nhân không phải ra về.
Đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/7 quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Trong đó, điểm đáng chú ý là tại các cơ sở y tế, mỗi bàn khám, bác sĩ chỉ được khám 65 lượt người bệnh/ngày, từ người bệnh thứ 66 trở lên chỉ được bảo hiểm y tế chi trả 50% mức giá khám bệnh và thậm chí không được BHYT chi trả nếu bàn khám đó liên tục vượt định mức trong một quý.
Quy định này khiến nhiều người bệnh lo lắng nếu đi khám bị quá lượt, họ sẽ phải quay về hoặc phải chi trả thêm tiền khám. Các bệnh viện cũng lo sắp xếp bàn khám, bác sĩ khám để đảm bảo định mức, không để ùn ứ bệnh nhân.
(Ảnh minh họa: KT) |
Đi khám tiểu đường định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ông Hoàng Văn Cường (72 tuổi, ở Ba Đình, HN) cho biết, do khám bệnh bằng thẻ BHYT nên ông cũng đi khám từ sáng sớm vì sợ khám bảo hiểm y tế rất đông.
“Tôi cũng nghe được thông tin là BHYT chỉ trả một nửa chi phí khám bệnh nếu khám quá lượt quy định nên cũng lo lắng nếu đến muộn, số khám của mình mà quá số quy định thì sẽ phải quay về hoặc phải trả thêm tiền khám nếu không được BHYT thanh toán. Mặc dù phải chờ đến chiều mới có kết quả nhưng tôi vẫn được khám và BHYT chi trả thuốc như bình thường”- ông Cường chia sẻ.
Bệnh viện cần sắp xếp hợp lý
Để triển khai Thông tư 15 của Bộ Y tế, hiện nay, một số bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức… cũng đang sắp xếp, bố trí các bàn khám hợp lý, để đảm bảo thuận lợi cho người bệnh, tránh bị vượt quá số lượng khám tại các bàn khám.
Theo ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K, từ khi áp dụng Thông tư 15, hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra bình thường không có gì đột biến. Theo quy định mới, BHYT chỉ thanh toán đủ khi đảm bảo định mức không quá 65 lượt khám/bàn khám/ngày. Để giúp thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, bệnh viện đã bố trí thêm bàn khám và tăng cường thêm bác sĩ tại các bàn khám để không bị vượt hạn mức quy định.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam). (Ảnh: Kim Thanh VOV1) |
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, để giải quyết tình trạng khám quá nhiều người bệnh trên một bàn khám, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất đưa ra một định mức là không vượt quá 65 bệnh nhân/ngày. “Tôi cho rằng, dần dần cũng phải giảm nhưng trong bối cảnh hiện nay nhân lực y tế, cơ sở vật chất còn thiếu mà nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh lại tăng thì tạm thời xác định một mức tối đa là như vậy. Nhưng trong tương lai, mức tối đa này cũng sẽ phải giảm, hướng tới đảm bảo quyền lợi của người bệnh”- ông Phúc cho biết.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư 15 quy định mức cao nhất là 65 người/bàn khám là mức để BHYT chi trả tiền khám. Việc tính toán định mức này là tương đối sát với thực tế nên sẽ đảm bảo không xảy ra tình trạng bệnh viện bị quá tải, dồn ứ để người bệnh phải đi về. Theo ông Liên, việc đưa ra những định mức này là để hạn chế việc lạm dụng chạy theo số lượng./.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, cần phải hiểu số người bình quân trên một bàn khám và số lượng bình quân tuyệt đối trên một bàn khám/ngày. Ông Phúc lấy ví dụ, một bệnh viện có 10 bàn khám, mỗi ngày có 500 bệnh nhân đến khám bệnh. Có bàn khám chỉ 10-20 bệnh nhân, có những bàn khám, đặc biệt là liên quan đến khám nội, tổng hợp có thể lên tới 80-90 bệnh nhân/ ngày, nhưng bình quân vẫn chưa vượt định mức 45 bệnh nhân/bàn khám.
Giảm giá dịch vụ y tế: Ai mừng ai lo?
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bệnh viện lo nguồn thu, dân lo chất lượng
Vì sao Bộ Y tế và BHXH còn ý kiến khác nhau về giá dịch vụ y tế?