"Bếp ăn 0 đồng" của thầy trò trường Tiểu học Tây Hồ, Đà Nẵng
VOV.VN - Đều đặn mỗi tháng 1 lần, “Bếp ăn 0 đồng” của thầy cô trường Tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng lại đỏ lửa để nấu hàng trăm suất ăn miễn phí san sẻ yêu thương đến những người lao động nghèo. Để có kinh phí hoạt động, thầy cô trong nhà trường mỗi người tự nguyện đóng góp một ít chung tay để có bữa cơm tươm tất mang đến cho những mảnh đời khó khăn.
Từ 6 giờ sáng, các thầy cô trường Tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chung tay mỗi người một việc từ nhặt rau, rửa rau, chế biến món ăn đến đứng bếp để tầm 10 giờ, đồ ăn nóng hổi, thơm ngon đã sẵn sàng phục vụ người lao động nghèo, người khuyết tật, bán vé số dạo...
“Bếp ăn 0 đồng" của trường duy trì 4 năm nay, nhận được sự ủng hộ, đóng góp kinh phí và trực tiếp tham gia của giáo viên. Mỗi tháng, bếp ăn này mở một ngày, phục vụ 300 đến 350 suất ăn miễn phí giúp người lao động nghèo.
Ông Trương Minh Tâm, 70 tuổi ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng bán vé số dạo nhiều năm nay. Thương ông vất vả, chủ đại lý bán vé số cho ông ở trọ. Đi bộ rạc chân mỗi ngày nhưng thu nhập chỉ được 70.000 đồng đến 100.000 đồng, ông gần như không dám ăn tiêu mà dành dụm gửi về cho gia đình. Ông Tâm cho biết, những suất ăn này không chỉ giúp ông no bụng mà còn động viên tinh thần vượt qua khó khăn.
“Tháng nào tôi cũng đến nhận cơm miễn phí, không những ngon mà còn no nữa. Việc làm của các thầy cô đã giúp cho người nghèo chúng tôi vượt qua khó khăn và rất ý nghĩa, cho mình ăn mình nhớ ơn nhiều lắm", ông Tâm nói.
Ý tưởng về “Bếp ăn 0 đồng” được thầy Trương Vĩnh Đặng, giáo viên dạy Mỹ Thuật trường Tiểu học Tây Hồ khởi xướng từ năm 2009. Ban đầu, thầy Trương Vinh Đặng tự nguyện bán những cây cảnh của mình để có kinh phí hoạt động. Về sau, có thêm sự đồng hành của Ban Giám hiệu nhà trường và nhiều nhà hảo tâm đóng góp, kinh phí dành cho hoạt động này tăng lên. Những suất ăn nhờ thế mà phong phú hơn, đầy đặn và ngon hơn.
Thầy Trương Vĩnh Đặng cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất vui, vì đó là tấm lòng của các thầy cô muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Các thầy cô dậy từ sớm đi chợ và sơ chế tại trường và ai rảnh phụ mỗi người một tay để làm. Các thầy cô mỗi người đóng góp một ít từ 200.000 đến 300.000 đồng. Bản thân tôi đấu giá cây cảnh, góp công sức vào duy trì lâu dài hoạt động từ thiện này để chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn”.
Mô hình “ Bếp ăn 0 đồng” được Chi bộ trường Tiểu học Tây Hồ đăng ký thực hiện theo Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bà Trương Thị Hồng Thanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: “ Bếp ăn 0 đồng” đã lan toả và nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh, những người sống xung quanh khu vực trường: “Xuất phát từ việc muốn chia sẻ yêu thương tới người dân lao động khó khăn, Cấp ủy nhà trường cũng đã đưa mô hình này trong buổi họp và đăng ký đây là mô hình để Chi bộ thực hiện. Một việc làm tốt theo tinh thần thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có thầy, cô ủng hộ về vật chật; có thầy, cô ủng hộ về tinh thần. “Bếp ăn 0 đồng” của nhà trường được lan toả ngay trong cả học sinh, phụ huynh và một số nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố ủng hộ cho “Bếp ăn 0 đồng” của trường Tây Hồ luôn được đỏ lửa”.
Mô hình “Bếp ăn 0 đồng” ở trường Tiểu học Tây Hồ đã được nhân rộng tại nhiều trường tiểu học ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: Mặc dù mỗi tháng tổ chức 1 lần nhưng những phần cơm miễn phí đã giúp nhiều mảnh đời khó khăn ấm lòng hơn. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh nói, các giáo viên làm lực lượng chủ lực để duy trì bếp ăn nhưng phụ huynh, học sinh cũng thấy được ý nghĩa nhân văn của hoạt động nhân đạo, từ thiện này nên cũng tham gia tích cực hơn.
“Bếp ăn 0 đồng” ở trường Tiểu học Tây Hồ đã hình thành khá nhiều năm nay. Đây là sự chung tay của cán bộ công chức, giáo viên, phụ huynh. Việc duy trì bếp ăn 0 đồng này chúng tôi thấy rất hay, phát huy được tấm lòng của mình trong tình thương giúp đỡ người nghèo và khó khăn có bữa ăn ấm lòng, một số trường khác như Trường tiểu học Lê Quý Đôn cũng có mô hình bữa cơn 0 đồng. Tôi thấy việc đó rất thiết thực, nếu nhân rộng một việc làm rất hay tạo thêm sự no ấm cho người dân, chia sẻ đối với cộng đồng xã hội trong công tác từ thiện nhân đạo", thầy Nguyễn Đức Tú Anh chia sẻ.