Bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú để kiểm soát sử dụng lao động trẻ em
VOV.VN - Các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với người chưa đủ 18 tuổi, nhằm kiểm soát việc sử dụng lao động trẻ em.
Trước thực tế còn có tình trạng sử dụng lao động trẻ em, người chưa đủ tuổi thành niên bất hợp pháp hiện nay, đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung vào Luật Cư trú (sửa đổi) quy định về điều kiện đăng ký tạm trú với người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 21/10, đại biểu Trần Văn Mão - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, hiện nay, trách nhiệm của người giám hộ hợp pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên đã được quy định khá rõ ràng tại Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết.
Thời gian qua, tình trạng chủ nhà hàng, khách sạn, nhà hàng, quán hát karaoke và gia đình đã sử dụng lao động trẻ em, người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê các em làm giúp việc mà không khai báo tạm trú, không có hợp đồng lao động, không có giấy tờ ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em…diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Khi được kiểm tra, phát hiện, họ nhận trẻ em là con cháu, họ hàng.
“Tôi đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi. Theo đó, yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Quan tâm, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình, các bộ ngành, cơ quan chức năng và toàn xã hội”, đại biểu Mão nói.
Liên quan tới các nội dung quy định trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão cũng kiến nghị bỏ quy định về việc người đăng ký thường trú phải “được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ” (quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 20 về Điều kiện đăng ký thường trú).
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hoàng - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, khi cho thuê, mượn, ở nhờ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã chấp nhận cho người cho thuê, mượn, ở nhờ sinh sống thường xuyên tại đó. Vì vậy, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người khác thực hiện đăng ký thường trú với cơ quan Nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của mình và trật tự quản lý Nhà nước ở nơi cư trú.
Việc quy định phải có văn bản đồng ý của chủ nhà thì người thuê, mượn, ở nhờ mới có thể đăng ký thường trú giống như hình thành thêm “giấy phép con”, làm hạn chế, cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm an sinh xã hội đối với các đối tượng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tế vẫn có những người không có nơi cư trú ổn định, nhất là những người dân di cư tự do, sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của rừng đặc dụng, rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc; trong số họ có nhiều người không có giấy tờ nhân thân hoặc tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp nên không đủ điều kiện để thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống cũng như khi quay trở về nguyên quán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện quyền cư trú và quản lý cư trú đối với người dân thuộc trường hợp này cần có các giải pháp tổng thể cả về kinh tế - xã hội và về pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 19 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ cơ sở pháp lý và thủ tục để thực hiện việc ghi nhận, xử lý các thông tin cá nhân, thông tin về cư trú của các đối tượng nói trên nhằm mục đích quản lý chính xác hơn tình trạng cư trú của công dân, nhất là thông tin về “nơi ở hiện tại”, qua đó, góp phần giúp công tác quản lý cư trú được hiệu quả và sát thực tế hơn, tạo cơ sở để các địa phương bố trí nguồn lực, tổ chức công tác quy hoạch và thực hiện một số chế độ, chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này./.