Bộ trưởng GTVT: Huy động các nguồn lực xây dựng cao tốc Bắc – Nam
VOV.VN -Việc đầu tư phát triển tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế và có tác động hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông. Năm 2017, nhiệm vụ của ngành GTVT càng nặng nề hơn khi Quốc hội, Chính phủ có chủ trương nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường cao tốc Bắc – Nam, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất… Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có cuộc trao đổi với Báo điện tử VOV về những công việc dự định triển khai trong năm mới 2017.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa. |
PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT sẽ huy động nguồn vốn như thế nào để triển khai đầu tư?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Trục Bắc - Nam của đất nước kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, là nơi tập trung 45% dân số, 65% các cảng biển loại I-II và 67% các khu kinh tế của cả nước, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trục Bắc - Nam, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Để từng bước đầu tư tuyến đường này, Bộ GTVT sẽ huy động nguồn lực từ các Nhà đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức PPP và tiếp cận các nguồn vốn vay ODA để đầu tư.
Quốc lộ 1 sẽ sớm được triển khai thành cao tốc Bắc -Nam để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Để đảm bảo khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải với quy mô 4 làn xe hạn chế; đồng thời, để huy động được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, có năng lực đầu tư, quản lý khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, Bộ GTVT sẽ xây dựng một số cơ chế đặc thù về tài chính, đấu thầu, tổ chức thực hiện... các tuyến cao tốc.
PV: Việc hiện đại hóa hệ thống đường sắt, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đường sắt tốc độ cao mà người dân đang rất mong chờ thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã xác định bên cạnh việc đầu tư, cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, còn định hướng nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đây là một chủ trương lớn, được nhân dân cả nước quan tâm nên cần cân nhắc, tính toán rất kỹ cả về hiệu quả kinh tế, điều kiện KT-XH và nguồn lực.
Chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã xác định bên cạnh việc đầu tư, cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, còn định hướng nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. |
Để sớm triển khai dự án này, bên cạnh việc nghiên cứu, chuẩn bị về phương án, nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT đang chỉ đạo từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ về đường sắt tốc độ cao; tăng cường hợp tác quốc tế để tìm hiểu kinh nghiệm phát triển của các nước. Đặc biệt là phát triển công nghiệp đường sắt, ngành cơ khí phụ trợ...
Bộ GTVT dự kiến tổ chức nghiên cứu, hội thảo, xin ý kiến và hoàn thiện dự án trong năm 2017; trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án trong năm 2018. Sau khi chủ trương đầu tư được thông qua, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai dự án theo quy định.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong điều kiện kinh tế nước ta tiếp tục khó khăn, nợ công đã chạm trần, các định chế tài chính nước ngoài cho vay ODA thời hạn ngắn, không dài như trước nữa, vậy Bộ sẽ huy động các nguồn vốn thế nào để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành GTVT trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Bộ GTVT ước tính, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho ngành GTVT giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, lên tới gần 1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng đáp ứng từ nguồn vốn ngân sách, bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA, là hết sức hạn chế, ước tính chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu huy động bằng được các nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển hạ tầng giao thông.
Chúng tôi cũng xác định việc huy động nguồn lực cần phải gắn liền với nhiệm vụ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực và để ngành phát triển bền vững, không được xem nhẹ bất cứ nhiệm vụ nào.
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát danh mục các dự án theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển để xem xét những dự án nào tiếp tục triển khai, dự án nào phải điều chỉnh và dự án nào phải dừng, giãn… đồng thời hạn chế tối đa khởi công mới.
Nguồn vốn trước hết sẽ tập trung cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối và khai thác hiệu quả hơn các phương thức vận tải.
Bộ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tất cả quá trình này sẽ được chúng tôi tiến hành công khai, minh bạch để toàn thể người dân, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ cùng biết và đồng thuận với Bộ GTVT.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!