Bộ Y tế điều tra diện rộng nhiều trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên
VOV.VN - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ quan chuyên điều tra về dịch tễ học sẽ tiến hành điều tra nguồn lây, đường lây khi trẻ bị sùi mào gà.
Trước việc ngày càng có thêm nhiều trẻ em ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà, Bộ Y tế vừa chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vào cuộc điều tra dịch tễ diện rộng.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, từ ngày 1/5 đến nay có hơn 70 trẻ em ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đến Bệnh viện này để điều trị bệnh sùi mào gà. Đây là một bệnh xã hội thường lây qua đường tình dục ở người lớn. Trong số những bệnh nhi mắc sùi mào gà ở huyện Khoái Châu có nhiều trẻ từng đến điều trị hẹp bao quy đầu tại phòng khám không phép của y sỹ Hoàng Thị Hiền ở xóm 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có bằng chứng để khẳng định tất cả những bệnh nhi sùi mào gà ở Khoái Châu đều bị lây bệnh từ phòng khám của y sỹ Hiền. Do vậy, Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành điều tra dịch tễ diện rộng để làm đầu mối tìm nguyên nhân của vụ việc này.
Trẻ mắc sùi mào gà được điều trị tích cực tại BV Da liễu Trung ương |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ quan chuyên điều tra về dịch tễ học sẽ tiến hành điều tra nguồn lây, đường lây như thế nào, các cơ chế lây ra sao. Trong giai đoạn trước mắt sẽ nghiên cứu những bệnh nhi đã và đang điều trị. Sau này sẽ tầm soát trong toàn khu vực đó xem như thế nào”
Khi có kết quả điều tra dịch tễ, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ dựa vào mẫu bệnh phẩm đang lưu để kiểm tra về vi rút gây bệnh và giá trị gene, từ đó làm căn cứ xác định nguyên nhân gây sùi mào gà ở trẻ em huyện Khoái Châu từ một nguồn lây hay từ nhiều nguồn khác nhau.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được nguyên nhân lây nhiễm và cách phòng tránh bệnh sùi mào gà. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ đạo các bác sỹ ngoại khoa vào cuộc khuyến cáo người dân khi nào cần can thiệp điều trị hẹp bao quy đầu. Bởi lẽ, khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý và đa phần là không cần can thiệp.
Nghiên cứu chung cho thấy, ở độ tuổi sơ sinh, tỉ lệ trẻ hẹp bao quy đầu lên tới 96%, nhưng khi 1 tuổi còn 50%, lúc 3 tuổi còn 10% và khi 17 tuổi chỉ còn 1%. Chỉ khi trẻ bị viêm nhiễm và gặp khó khăn khi tiểu tiện thì mới cần can thiệp và việc cắt bao quy đầu cũng chờ trẻ lớn lên ở một độ tuổi nhất định.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 26/7, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền do cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép. Y sĩ Hiền còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 12 tháng và phòng khám không phép của y sĩ Hiền cũng bị đình chỉ hoạt động./.
Xử phạt 100 triệu đồng phòng khám lây bệnh sùi mào gà cho trẻ em
Cha mẹ các bé bị sùi mào gà đau đớn và ân hận