Cá chết chưa rõ nguyên nhân, người tiêu dùng dè dặt mua hải sản
VOV.VN - Người dân vẫn chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng công bố về việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Nếu như trước đây hải sản là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày thì giờ đây người tiêu dùng vẫn còn dè dặt mua chúng. Trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương đã có động thái tích cực thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá biển cho ngư dân đánh bắt xa bờ, thế nhưng đa số các cửa hàng bán cá biển vẫn ế ẩm.
Cá trứng nhập khẩu được bày bán ở siêu thị
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng), chợ Mai Động (quận Hoàng Mai), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy),... các quầy hàng bán các mặt hàng hải sản như cá biển, mực, tôm, ghẹ vắng bóng người mua.
Chị Trương Thị Lan, một người bán hải sản tại chợ Hàng Bè cho biết, từ khi có thông tin cá chết do nhiễm độc thì số lượng khách mua chỉ lác đác vài ba người/một ngày.
Quầy hàng hải sản tại chợ Hàng Bè ế ẩm
Tại các chợ đầu mối, nguồn hải sản vẫn được nhập về ồ ạt, tuy nhiên nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, lượng hàng nhập về các chợ lẻ cũng giảm hẳn so với trước, do nhiều tiểu thương không bán được hàng. Một tiểu thương nói: "Chúng tôi ở đây chỉ lác đác vài người mua, nhưng ở dưới chợ đầu mối rất đông, sáng khoảng 5 giờ rất đông người bán cá biển, cá nục, mực... Cá toàn đông lạnh ai biết đấy là đâu. Cá trắm chúng tôi mua hàng ngon còn ngoài đó họ toàn mua hàng đã chết với giá rẻ để bán cho những quán lẩu ven đường, nhà hàng".
Khi không biết đâu là hải sản sạch, đâu là hải sản nhiễm độc, nhiều người tiêu dùng đề phòng bằng cách chọn mua các mặt hàng hải sản tươi sống chứ không mua hàng đông lạnh hoặc chuyển sang mua các loại thủy sản, cá nước ngọt, hoặc chuyển sang ăn thịt gia cầm, lợn.
Nhiều người còn giảm mua các món ăn chế biến sẵn làm từ cá tại một số các nhà hàng, quán ăn. Chị Nguyễn Thúy Hằng, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: "Tôi cảm thấy rất lo lắng, đi chợ tôi không dám mua cá biển, các đồ đông lạnh là không dám dùng, kể cả nước mắm đang hết nhưng chưa dám mua vì sợ các thông tin người ta mua cá chết về làm nước mắm. Tôi toàn mua cá nước ngọt như cá trắm, cá rô, cá chép, cá trôi. Tôi chọn hải sản còn tươi sống, nhưng hiện nay các mặt hàng này đang có nguy cơ nhiễm độc nên tôi rất hạn chế cho cháu ăn".
Không chỉ có cá, người tiêu dùng cũng cảnh giác với sản phẩm làm từ cá như nước mắm và mặt hàng muối biển. Tại một số siêu thị như Vinmart, Fivimart, Intimex, trong khi lượng hàng hải sản tươi sống trong nước bán ra giảm hẳn, người dân đổ xô đi mua những chai nước mắm và gói muối biển được sản xuất vào thời điểm trước khi có hiện tượng cá chết để tích trữ.
Trong khi đó, các mặt hàng hải sản, tôm cá xuất xứ nước ngoài như cá hồi Nauy, cá thu đao Nhật Bản, cá trứng Nauy, cá nục Đài Loan (Trung Quốc) lại đang cháy hàng. Tại các quầy hàng có bán cá biển Việt Nam không có giấy chứng nhận kiểm định là sản phẩm được đánh bắt ngoài khơi cách bờ 20 hải lý, nên đa số người tiêu dùng không tin tưởng chọn mua.
Theo một số siêu thị nhận định, việc nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng hải sản từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước như hiện nay sẽ khiến việc kinh doanh tiêu thụ hải sản trong nước gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam Hệ thống Siêu thị Fivimart cho biết: Từ khi có tình hình cá chết bất thường, các mặt hàng hải sản tươi sống giảm rõ rệt, và siêu thị cũng ngừng nhập mặt hàng tươi sống và tập trung vào bán các mặt hàng đông lạnh. Chúng tôi cũng rất mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng sớm có những công bố cho người dân được biết để tránh đầu cơ tích trữ dẫn đến chênh lệch, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, đặc biệt ảnh hưởng đến các vùng đánh bắt hải sản.
Trong khi chờ kết luận chính thức về việc cá biển chết hàng loạt, các cửa hàng kinh doanh cần cung cấp đầy đủ bằng chứng xuất xứ, nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành công thương tiếp tục có biện pháp bình ổn giá các loại mặt hàng hải sản khác, tránh tình trạng đầu cơ tích trữ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng./.