Các gia đình Ê Đê lén lút vượt biên trở về trong vòng tay bao dung
VOV.VN- Các gia đình người Ê Đê ở xã Ea Drông, tỉnh Đắk Lắk lén lút vượt biên sang Campuchia, rồi qua Thái Lan trở về trong vòng tay bao dung của buôn làng.
Cách đây gần 4 tháng, 4 gia đình gồm 17 khẩu, người dân tộc Ê Đê ở buôn Sing B, xã Ea Drông, Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã bán nhà cửa, ruộng vườn, lén lút vượt biên sang Campuchia, rồi qua Thái Lan với hy vọng sẽ được đưa đi định cư ở nước thứ 3, sẽ được cấp nhà lầu, ôtô.
Giàu sang, an nhàn không thấy, chỉ bị đối xử bất công, đói khát, tủi nhục… Biết mình đã bị lừa, vợ chồng Y Riêng và hai đứa con đã bùi ríu nhau tìm đường trở về trong vòng tay bao dung của bà con buôn làng và chính quyền địa phương.
Vợ chồng Y Riêng Niê tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 xềnh xoàng ở buôn Sing B, xã Ea DRông- Thị xã Buôn Hồ. Đây là ngôi nhà của một người bà con trong buôn cho vợ chồng ở tạm, bởi nhà của Y Riêng đã bán rẻ, lấy tiền vượt biên.
Ông MLô Y Hoa, Phó ban Dân vận thị xã Buôn Hồ (trái) thăm hỏi vợ chồng và hai con của Y Riêng. |
Y Riêng kể, từ cuối năm ngoái, một số người bà con phía vợ rỉ tai ngọt ngào với anh rằng: Hãy tìm cách trốn sang Thái Lan. Qua đó sẽ có người đưa qua Canada hoặc Mỹ định cư, sẽ được cấp nhà cửa, bố trí công việc thu nhập cao, cuộc sống sung sướng hơn nhiều so với ở Việt Nam. Y Riêng đã bán nhà và đầu tháng 5 vừa qua cùng 3 gia đình khác (gồm 17 khẩu) đưa cho người dẫn đường 240 triệu đồng, rồi lén lút về TP HCM để được đưa qua Campuchia, rồi qua Thái Lan.
Đến Thái Lan, vài ngày sau Y Riêng mới biết là mình bị lừa. Mỗi gia đình được nhốt trong một phòng trọ nhếch nhác, chẳng ai đoái hoài quan tâm. Hết tiền phải đi làm thuê kiếm sống. Nhưng bất đồng ngôn ngữ, sức khỏe lại kém nên phải chịu đói khát từng ngày.
“Tôi là Y Riêng Niê, sống ở buôn Sing B, xã Ea Drông, trong cuộc sống hằng ngày tôi thường nghe người ta nói thế này thế kia, là người ta có một tổ chức, giúp đỡ người đồng bào mình ở bên nước ngoài. Người ta chăm lo, tạo công ăn việc làm, sau đó sẽ được đi Canada, đi Mỹ. Khi tôi đến đó, tôi thấy không ai quan tâm cả. Tôi muốn nói với tất cả anh em, đặc biệt là anh em đồng bào Êđê, tuyệt đối không nghe theo lời bọn xấu xúi giục để rồi lầm lỡ, sai trái như tôi, như những người đã từng đến đó. Bởi vì tôi là người đã từng đến nơi mà họ nói, họ chỉ muốn phá hoại cuộc sống của chúng ta, của con em chúng ta”, Y Riêng Niê nói.
Vợ chồng Y Riêng muốn trở về Việt Nam, nhưng có người nói rằng: nếu về, sẽ bị chính quyền bắt bỏ tù. Hơn 3 tháng sống chui nhủi trên đất Thái Lan với chồng chất cực khổ, đói khát, tủi nhục…
Nghĩ về tương lai của hai đứa con còn thơ dại, nhớ về những ngày tháng êm ấm ở buôn làng, vợ chồng Y Riêng quyết tìm cách trở về, dẫu có bị tù đày vẫn chấp nhận. May mắn, Y Riêng đã tìm cách liên hệ với người Việt kiều tốt bụng, nhờ họ giúp đỡ dẫn đường để cả gia đình về của khẩu Mộc Bài…
Ngày 5/9 về đến buôn làng, chị Y Pi Buôn Giá kể rằng, lúc đầu vợ chồng rất lo sợ chính quyền sẽ bắt bớ, bà con sẽ dè bỉu. Thế nhưng, bà con trong buôn và các cấp chính quyền đã thông cảm, tha thứ cho lỗi lầm của hai vợ chồng. Người thì cho gạo, cho thực phẩm, người thì động viên hãy chăm chỉ lao động để ổn định cuộc sống.
“Bán hết đất đai, nhà cửa, gia đình cũng được 20 triệu. Khi về lại buôn làng, chúng tôi không có chỗ ở nữa nên vợ chồng tôi qua ở nhờ nhà đứa em. Không biết sau này vợ chồng đứa em về chúng tôi sẽ ở đâu. Hiện tại, hai đứa em đang làm công nhân ở Sài Gòn, chắc chắn sau này sẽ về lại buôn làng. Hai vợ chồng tôi mong muốn nhà nước tạo điều kiện, giúp đỡ cấp cho chúng tôi đất ở, đất sản để chúng tôi ổn định lại đời sống”, chị Y Pi Buôn Giá nói.
Ông Trần Hậu Hương, Bí thư Đảng ủy xã Ea Drông cho biết, ngay từ tháng 5 khi biết chuyện 4 gia đình trong xã bán nhà vượt biên trái phép sang Campuchia, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động bà con trong buôn làng, nói rõ âm mưu thủ đoạn của bọn lừa đảo, để bà con không ai bị lừa. Vợ chồng Y Riêng trở về cũng là nhân chứng sống để bà con trong các buôn cảng giác không bị kẻ xấu lừa gạt.
“Trước hết, chúng tôi động viên gia đình yên tâm và vận động các đoàn thể buôn, thôn có trách nhiệm gần gũi, gắn bó nắm chắc tâm tư tình cảm. Làm sao đó để gia đình Y Riêng yên tâm làm ăn.
Trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương sẽ thường xuyên xuống thăm hỏi động viên, và sẽ vận dụng những chính sách sẽ quan tâm như hỗ trợ đất ở. Đặc biệt trước mắt có cháu học lớp 5, thì chúng tôi đã làm việc với ban giám hiệu nhà trường, sẽ quan tâm đảm bảo cho cháu đến trường”, ông Hậu Hương chia sẻ.
Ông MLô Y Hoa - Phó Ban dân vận Thị ủy, Thị xã Buôn Hồ cho rằng, việc để một số người nhẹ dạ cả tin bị kẻ xấu lợi dụng là bài học cần rút ra trong công tác tuyên truyền vận động ở cơ sở.
“Sau khi Y Riêng trở về, Ban dân vận Thị uỷ phối hợp với Mặt trận và các ban ngành đoàn thể thăm hỏi và hỗ trợ vật chất để gia đình ổn định cuộc sống. Vận động nhân dân đấu tranh ngăn chặn hoạt động của bon Fulrô ngầm móc nối, liên lạc tổ chức đưa người vượt biên trái phép, đặc biệt là ở địa bàn xã Ea Rông không nghe, không theo kẻ xấu dụ dỗ, lừa bịp”, ông MLô Y Hoa chia sẻ.
Vợ chồng Y Riêng muốn nhắn gửi với những người đã trót lỡ vượt biên, đang sống chui lủi trên đất khách quê người, rằng: Hãy trở về trong vòng tay bao dung tha thứ của bà con buôn làng, của chính quyền địa phương. Đừng ai tin, đừng ai nghe theo lời bọn xấu xúi giục, không ai cho mình nhà lầu, xe hơi như họ nói đâu./.
Vượt biển xuyên đêm cứu thuyền trưởng tàu cá bị thương ở Hoàng Sa
Cướp tài sản, tấn công chủ nhà rồi tìm cách vượt biên trốn truy nã