Các nhà khoa học nói gì về các vết nứt trên hầm Hải Vân
VOV.VN -Những ngày qua, thông tin về các vết nứt phía Nam hầm đường bộ Hải Vân, thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng gây xôn xao dư luận.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân nứt hầm Hải Vân là do chủ đầu tư nổ mìn để mở rộng hầm phụ thành hầm Hải Vân 2 bên cạnh.
Ngày 25/10, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và chỉ đạo cử một tổ công tác vào giám sát chặt chẽ các vết nứt này.
Thứ trưởng Bộ GTVT trực tiếp kiểm tra các vết nứt trong hầm |
Sau khi có thông tin về các vết nứt ở hầm đường bộ Hải Vân, Bộ Giao thông Vận tải đã cử một số chuyên gia, nhà khoa học vào kiểm tra, đánh giá thực trạng các vết nứt.
Qua kiểm tra, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ- Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vỏ hầm được kết cấu vòm, chịu lực nén là chủ yếu nên thích hợp với vật liệu giòn. Vòm này được đổ bằng bê tông thường nên khó tránh các vết nứt, chỉ trừ loại bê tông dự ứng lực, tức chủ động nén trước để ngăn vết nứt.
PGS.TS Hoàng Hà khẳng định, các vết nứt này vẫn trong tầm kiểm soát: "Trên thực tế thì không phải ở Việt Nam mà tất cả bê tông trên thế giới ít khi tránh khỏi những vết nứt, nhất là những công trình hầm như thế này. Thực ra sự hình thành vết nứt này đã trong tính toán, đã trong dự kiến, đã trong tầm kiểm soát và khoa học đã chứng minh những vết nứt nhỏ hơn 0,3 milimet và độ sâu không đáng kể thì không ảnh hưởng gì tới độ chịu lực cũng như tuổi thọ của công trình.".
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án mở rộng hầm Hải Vân là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, từ khi tiếp nhận hầm Hải Vân vào cuối năm 2015, đơn vị đã phát hiện nhiều vết nứt, trong đó có 8 vết nứt được đánh giá là có rủi ro về an toàn kết cấu. Công ty đã thuê Công ty tư vấn Alpin Technick của Đức thực hiện khảo sát toàn diện hiện trạng nứt vỏ hầm với công nghệ quét hình ảnh bằng laze. Qua đó, phát hiện nhiều vết nứt vỏ hầm nhưng tiết diện nhỏ, được đơn vị tư vấn đánh giá kết cấu hầm an toàn.
Đây là hiện tượng bong sơn epoxy ở hầm Hải Vân 1 |
Ông Nguyễn Đình Bách, Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hamadeco, đơn vị quản lý hầm Hải Vân trước đây cho biết: năm 2010, Công ty cũng đã phát hiện nhiều vết nứt do hiện tượng co giãn bê tông, cách cửa phía Nam khoảng 600 mét. Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, các vết nứt này nằm trong tầm kiểm soát, kết cấu hầm vẫn an toàn.
Quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy các vết nứt. Một số vết nứt bê tông nhìn khá rõ vì kéo thành đường dài. Nhiều người lo ngại, các vết nứt ngày càng dài do việc nổ mìn thi công hầm hầm Hải Vân, ảnh hưởng độ an toàn của hầm đường bộ này.
Thiết bị quét laze năm 2016 |
Vết nứt đã được chủ đầu tư bắn keo vào để gia cố |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, Trưởng Khoa Xây dựng Cầu đường, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, trước mắt phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân các vết nứt. Nếu có từ trước rồi thì đánh giá xem trong quá trình thi công nổ mìn có làm các vết nứt đó mở rộng hơn không.
"Theo cá nhân tôi thì việc này cần có đánh giá lại. Việc đầu tiên phải xem là nguyên nhân hiện tượng nứt. Nếu nó có từ trước rồi trong quá trình thi công có phát triển vết nứt nữa hay không. Sau đó phải có sự kiểm chứng bằng tính toán kiểm tra lại. Đặc biệt nứt đó nếu là nứt cấu tạo thì lại khác. Thực ra nếu nứt cấu tạo thì không có vấn đề gì, còn nếu nứt mà độ sâu vết nứt tiếp tục phát triển, nó mở rộng về độ sâu thì lúc đó mình mới quan tâm. Nhưng để biết cái đó, theo quan điểm của tôi là nhà kỹ thuật thì việc xác định đó phải thông qua việc tính toán, quan trắc và đánh giá cụ thể chứ không thể nhìn bằng mắt mà kết luận ngay được", TS Nguyễn Hồng Hải cho biết./.