Các nhà xe “đình công” ở bến Mỹ Đình đã hoạt động trở lại
VOV.VN - Các nhà xe “đình công” bỏ rơi khách ở bến Mỹ Đình trong 2 ngày 30 và 31/12 đã hoạt động đón trả khách bình thường.
Nhà xe “bỏ khách” đã hoạt động lại bình thường
Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, sau 2 ngày một số nhà xe ở bến Mỹ Đình từ chối phục vụ khách để phản đối phương án điều chuyển luồng tuyến của Sở GTVT thành phố Hà Nội, đến chiều qua đã hoạt động trở lại bình thường.
Các nhà xe ở bến xe Mỹ Đình sau khi đối thoại với Sở GTVT Hà Nội đã hoạt động trở lại bình thường. |
Theo phương án điều chuyển của TP Hà Nội được Bộ GTVT chấp thuận, bắt đầu từ ngày 2/1/2017, các xe khách tuyến cố định lưu thông trên QL1 tại bến Mỹ Đình sẽ được điều về bến Giáp Bát và Nước Ngầm. Một số xe đi theo QL6 và đường Hồ Chí Minh được điều về bến xe Yên Nghĩa.
Ở chiều ngược lại, một số xe trái tuyến ở bến Giáp Bát và Nước Ngầm sẽ được điều chuyển ngược lại bến xe Mỹ Đình…
Sẽ giải quyết tiếp những bất cập
Tại cuộc họp đối thoại với các DN vận tải và cá nhân phản đối việc điều chuyển chiều qua, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã khẳng định, việc điều chuyển không thể không thực hiện vì lợi ích chung của TP, nhằm sắp xếp lại mạng lưới vận tải hành khách liên tỉnh nói riêng, giao thông vận tải nói chung.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã phải điều các lực lượng chức năng và xe buýt tăng cường để chở khách miễn phí từ Mỹ Đình về bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. |
Sở GTVT Hà Nội cam kết sẽ công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích tất cả các bên trong quá trình điều chỉnh.
Ông cũng nói rõ, các nhà xe bỏ rơi khách ở bến Mỹ Đình sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo phương án phân chia luồng tuyến vận tải khách của thành phố Hà Nội, từ ngày 2/1, các xe khách chạy tuyến phía Nam đi theo QL1 - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ đón trả khách ở bến Nước Ngầm và Giáp Bát.
Để phục vụ việc đi lại của người dân thuận tiện, UBND TP Hà Nội đã bố trí kế nối các tuyến xe buýt giữa các bến xe với khu vực nội đô và ngoại thành với mật độ 1.400 lượt/ ngày.
Cụ thể, kết nối từ bến Mỹ Đình - bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát - bến xe Gia Lâm, bến xe Yên Nghĩa; bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm - bến xe Yên Nghĩa, bến xe Yên Nghĩa - bến xe Mỹ Đình.
Các tuyến buýt kết nối giữa các bến xe và từ bến xe vào trung tâm TP sẽ tiếp tục được Hà Nội tăng cường để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Về vấn đề lệ phí bến, khả năng tiếp nhận của từng bến xe cũng như phương án tổ chức giao thông cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang, Sở GTVT Hà Nội sẽ có những tính toán cụ thể, điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên và phát huy hiệu quả của quy hoạch.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, từ 1/1/2017, sẽ thực hiện tăng cường năng lực vận chuyển xe buýt kết nối giữa bến xe Nước Ngầm với bến xe Mỹ Đình từ 248 lượt/ngày lên thành 444 lượt/ngày (tăng 196 lượt).
Ngoài ra, điều chỉnh lượt xe đối với 2 tuyến đang có điểm đầu cuối tại bến xe Nước Ngầm kết nối với bến xe Mỹ Đình (tuyến xe buýt số 16 và 60B); điều chỉnh tần suất của tuyến xe buýt số 34 (bến xe Gia Lâm-bến xe Mỹ Đình) từ 184 lượt/ngày lên thành 212 lượt/ngày.
Về những băn khoăn, lo lắng của DN, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định: “Việc điều chuyển luồng tuyến là để phục vụ mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT cho Thủ đô. Bến xe Mỹ Đình được mở khi chưa sáp nhập Hà Tây (cũ) về Hà Nội. Sau khi sáp nhập, bến xe cũng như đường Vành đai 3 không còn phù hợp quy hoạch chung. Do đó TP buộc phải có những điều chỉnh hợp lý với giai đoạn hiện tại và lâu dài”.
Đồng thời, Sở GT-VT Hà Nội đã thông báo với Sở GTVT các địa phương quản lý các nhà xe này nếu vẫn tiếp tục tự ý bỏ khách thì sẽ thu hồi phù hiệu 1 tháng theo đúng quy định và từ chối tiếp nhận; bố trí xe tăng cường chở khách thẳng từ BX Mỹ Đình về các địa phương để phục vụ nhân dân; các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng chây ỳ, chống đối./.