Cảm động khát vọng sống của Đại uý công an bị đứt lìa hai chân
VOV.VN - "Bạn có từng tưởng tượng mình sẽ đối mặt ra sao nếu mất đi một phần cơ thể?..." - Đại úy Trần Hoàng Ngôi, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Ma tuý, Công an huyện Trà Ôn, (tỉnh Vĩnh Long) đã phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã khi bị mất đi đôi chân trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.
Hành trình hồi phục của anh là câu chuyện đầy cảm động về sự kiên cường và ý chí vượt lên chính mình.
“Gần 22h đêm 23/11/2023, tôi cùng 3 đồng chí trong tổ công tác thực hiện theo kế hoạch, tiến hành tuần tra đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Trà Ôn. Khi chúng tôi phát hiện một chiếc ghe gỗ đang tiến hành hoạt động khai thác cát mới tiếp cận để kiểm tra.
Trong quá trình tiếp cận, các đối tượng thấy có lực lượng nên bỏ chạy, ép phương tiện của chúng tôi, dẫn đến tôi cùng hai đồng chí nữa rơi xuống sông. Tôi không may bị cuốn vào chân vịt của ghe cát dẫn đến bị đứt lìa hai chân” - Giây phút chiếc ghe cát trên sông Hậu bất ngờ tăng tốc, ép vào phương tiện của tổ công tác, cũng là lúc cuộc đời Đại uý Trần Hoàng Ngôi tưởng như đã phải dừng lại.
Đau đớn thấu xương, nhưng anh đã dũng cảm ôm vào lái ghe, chờ đồng đội vớt lên, với một ý nghĩ “Còn sống là còn may mắn!”.
Nhận hung tin con trai, trái tim cha mẹ già thắt lại. Họ mong làm mọi thứ để con mình bớt đau đớn mà không thể. Nhà có 6 anh chị em, Đại úy Ngôi là con út, cũng là trụ cột của cả gia đình.
Anh Trần Quốc Trạng, anh trai Đại uý Trần Hoàng Ngôi lúc nào cũng túc trực, chăm sóc người em trai của mình từ giây phút sinh tử cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.
Anh Trạng nhớ lại: “Tôi cũng nói với cha mẹ, nhà có hai anh em trai nhưng lỡ vì nhiệm vụ mà bị vậy rồi thì mình cũng phải cố gắng lên để động viên em, còn nếu mình gục ngã nữa, Ngôi cũng sẽ gục luôn chứ không thể đứng lên được. Mình biết mình cũng mất mát nhiều lắm nhưng mình còn sống là còn may mắn”.
Lạc quan bước tiếp
Cuối tháng 12/2023, công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long liên hệ với TS.BS. Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM về khả năng tiếp nhận và điều trị cho Đại úy Ngôi.
Bệnh viện đã tổ chức một nhóm các y bác sĩ và chuyên gia tham gia hội chẩn, đưa ra lộ trình, kế hoạch điều trị cho anh.
Bác sĩ Hoàng nhớ lại thời điểm đó, mặc dù vừa trải qua tai nạn thương tâm nhưng chàng thanh niên 30 tuổi ấy với vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú, đôi mắt vẫn ánh lên sự lạc quan đã tiếp thêm động lực, giúp các bác sĩ vững tâm điều trị.
Việc cần làm ngay là tâm lý trị liệu cho bệnh nhân để bệnh nhân chấp nhận, đây là sự thật...
“Trải qua hơn 1 tuần làm công tác tâm lý trị liệu cũng như vạch ra hướng điều trị cụ thể để bệnh nhân biết được lộ trình trong tương lai sẽ như thế nào và khả năng sau bao nhiêu thời gian thì có thể đứng lên và đi lại được.
Bên cạnh đó, các chuyên gia về tâm lý trị liệu, bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng cũng như các kỹ thuật viên đã lên kế hoạch tập luyện cho Đại úy Ngôi. Đầu tiên phải tập cho Ngôi tự đi lại trên mỏm cụt và tự sinh hoạt, vệ sinh, tắm rửa trên đôi mỏm cụt đó”, bác sĩ Hoàng nói.
Giữa tháng 4/2024, chúng tôi gặp Đại úy Ngôi tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM tại quận 8. Vào đầu giờ sáng, anh đang thực hiện những bài tập vận động trị liệu giúp mạnh cơ phần chân còn lại để có thể thích ứng với chân giả sau này.
Bác sĩ Phan Minh Tuấn kiên nhẫn hỗ trợ anh. Có đôi lúc, anh nhăn mặt lại. Những cơn đau vẫn còn đó. Mặc dù khi tới bệnh viện, tình trạng mỏm cụt của anh đã được xử lý cấp tính kịp thời.
“Tới với bệnh viện, anh bị vấn đề đau chi ma (tức là phần chi bị cắt cụt vẫn còn cảm giác). Tới đây, chúng tôi sẽ sử dụng những loại thuốc hoặc kích thích điện để điều trị giảm đau kết hợp tập luyện để anh Ngôi có thể quen với việc đứng trên mỏm cụt để sau khi có chi giả hoàn thiện thì có thể đứng trên chi giả đó.
Trong quá trình tập luyện, anh Ngôi rất chịu khó và phối hợp với đội ngũ y bác sĩ cũng như kỹ thuật viên ở đây. Đó cũng là nguồn động lực giúp các y bác sĩ điều trị tốt hơn”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Với sự hỗ trợ của các bác sĩ, Đại úy Ngôi điều khiển chiếc xe lăn đi vào thang máy, qua vài nấc thang gồ ghề và lên phòng hoạt động trị liệu. Gần 8 tháng qua, bệnh viện đã như ngôi nhà thứ hai.
Từng bước...
Chị Lê Thuỷ Tiên, khoa Phục hồi chức năng chuẩn bị sẵn các dụng cụ như bóng trị liệu, thanh gỗ, dây an toàn, đôi nạng và chân giả ngắn để anh tập từng động tác một.
Giữ thăng bằng và tìm lại được bước đi ban đầu là thử thách lớn nhất với anh lúc này.
“Vấn đề khó khăn của Ngôi là thích nghi với đôi chân giả trước. Trong quá trình tập, sẽ có đôi lúc Ngôi cảm thấy đau. Thường khi đứng chịu sức sẽ bị đau ở đầu mỏm cụt, tôi phải hướng dẫn cho Ngôi để chịu sức đúng.
Ngày đầu tiên gặp Ngôi, Ngôi gặp khó khăn về sinh hoạt và di chuyển, nên tôi đã hướng dẫn cho Ngôi cách di chuyển từ giường qua xe lăn, từ xe lăn qua ghế, từ xe lăn vào toilet, tự vệ sinh cá nhân. Tiếp theo nữa là hướng dẫn cho Ngôi những kỹ năng đi xe lăn, vượt chướng ngại vật, đi trên những đường gồ ghề, đi xe gắn máy, để sau này Ngôi có thể đi làm lại được”, chị Thuỷ Tiên cho hay.
Nhìn Đại úy Ngôi tự băng mỏm cụt của mình nhanh gọn và đưa vào socket của chân giả vừa vặn, dùng sức chống hai bàn tay lên hai chiếc bàn để đứng lên và có thể tự đi xe máy, ngay cả những người bên cạnh anh hằng ngày cũng không khỏi bất ngờ. Đôi chân nhích từng milimet một.
Chỉ vậy thôi đã là cả hành trình dài. Những tháng ngày khó khăn nhất trong lộ trình điều trị đã vượt qua.
TS.BS. Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM xúc động: “Và như lời hứa của tôi đối với Ngôi, đó là trong vòng 6 tháng, em có thể đứng lên bằng chính đôi chân của em và em sẽ bước đi những bước đầu tiên.
Đảng ủy và Ban Giám đốc Bệnh viện thống nhất miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị cho bệnh nhân, coi như là một phần đóng góp, đồng hành của chúng tôi với Đại uý Ngôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang vận động một số mạnh thường quân để hỗ trợ thêm chân giả cho Đại úy Ngôi”.
"Trang sách" mới...
Để có thể trở về cuộc sống bình thường, Đại úy Ngôi phải có ít nhất 2 đôi chân giả, thay đổi từng độ cao. Từ đôi chân giả thấp, sau khi vững vàng và có thể điều khiển được mới nâng độ cao chân giả bằng chiều cao chân trước đây, làm sao để hài hoà, cân đối với cơ thể, giúp bệnh nhân đứng lên, đi lại, giữ vững trọng tâm mà không té ngã.
“Chúng tôi tôi đã làm tốt nhất có thể để khi Đại úy Ngôi mang đôi chân giả này vào, mọi người cũng không thể nhận biết được một người đã từng khuyết đôi chân. Cùng sự tập luyện kéo dài 1-2 năm sau đó, bệnh nhân có thể tham gia giải Marathon và đi bộ mà không thể nhận thấy sự khác biệt...”, Bác sĩ Hoàng tiết lộ về mức độ khéo léo của đôi chân giả và sẵn sàng tiếp nhận Đại úy Ngôi làm việc tại Bệnh viện.
Mỗi bước đi, mỗi lần tập luyện đều là một cuộc chiến với những cơn đau. Giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt. Anh đang chiến đấu một trận chiến khác, khốc liệt hơn. Khát khao tìm lại bước đi trên đôi chân của chính mình, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng trên tất cả, đó là một tinh thần lạc quan sống.
“Có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm hơn mình. Mình còn thấy được người thân, thấy được đồng đội. Đó cũng là động lực để mình tiếp bước. Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ đến những người có hoàn cảnh tương tự hoặc không may bị mất một phần cơ thể, hãy cố gắng vui vẻ, lạc quan, còn sống thì còn tất cả. Rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến”, Đại úy Ngôi nghĩ về tương lai.
Đại úy Ngôi đã từng chia sẻ với các y bác sĩ: “Cuộc đời em giống như một trang sách, trang sách này đóng lại thì trang sách khác mở ra”.
Ai trong chúng ta cũng có thể bị khuyết tật, trong một hoàn cảnh nào đó.
Tuy nhiên, với ý chí sắt đá, không ngục ngã, tinh thần của một chiến sĩ Công an nhân dân, Đại úy Ngôi đã chứng minh rằng, ngay cả khi cuộc sống đặt ra những thử thách lớn nhất, chúng ta vẫn có thể vượt qua và sống ý nghĩa.