"Cần phải tổ chức lại khoa học, công nghệ ở Việt Nam"
VOV.VN - Ngày 11/14, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8.
Phiên họp đã thảo luận và phân tích những khó khăn, bấp cập trong đổi mới quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cấp nhà nước trong thực tế hiện nay, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình, đề án quốc gia về khoa học và công nghệ, nhất là các nội dung có liên quan đến việc xúc tiến triển khai xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân và đề án thành lập Viện khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc.
Phiên họp cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về các cơ chế chính sách và tài chính, giám sát nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ. Theo một số đại biểu, để nâng cao năng lực khoa học công nghệ của đất nước, cần mạnh dạn tái cơ cấu bộ máy quản lý, chuyển đổi phương thức hoạt động của các đơn vị nghiên cứu ứng dụng từ công sang tư.
Bà Bùi Thị An, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng: “Nên xem lại chuyện tổ chức khoa học công nghệ ở nước ta, cơ cấu lại cái nghiên cứu, khoa học xã hội bao nhiêu phần trăm, tự nhiên bao nhiêu, công nghệ bao nhiêu… Tập trung hơn cho nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, mô hình phát triển khoa học của Việt Nam”.
Đối lĩnh vực bảo vệ môi trường, phần lớn các ý kiến tại phiên họp khẳng định nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhất là công tác phối hợp triển khai dự án chồng chéo, các văn bản thi hành luật trong quản lý, giám sát đầu tư còn chưa chặt chẽ, công tác chế tài, xử phạt còn bỏ ngỏ, từ đó mang lại hiệu quả không cao. Để chấn chỉnh những tồn tại này, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đề xuất: “Nhiệm vụ đặt ra thì rất là lớn nhưng phân công nhiệm vụ thì không rõ ràng. Nên tập trung về một mối để chịu trách nhiệm, còn tất cả các đơn vị khác thì phối hợp và thực thi, có người giám sát việc thực. Vấn đề nữa là việc chế tài, nếu chế tài không nghiêm, luật pháp không được tôn trọng thì sẽ còn khốn khổ về chuyện xử lý các hậu quả. Chế tài xử phạt phải mạnh lên thì chi phí quản lý xã hội sẽ giảm đi.”
Trong thời gian tổ chức phiên họp toàn thể tại Đà Lạt, các thành viên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội sẽ có chuyến khảo sát thực tế tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và các địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm công nghệ và nghiên cứu hạt nhân; đồng thời, ghé thăm và khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt./.