Theo nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực trạng việc làm của người lao động sau khi không còn làm việc tại các khu công nghiệp cho thấy, ngày càng nhiều lao động ngoài 30 tuổi tại các Khu công nghiệp tự nghỉ việc hoặc bị sa thải.
Sau khi nghỉ việc ở khu công nghiệp, người lao động phần lớn là làm nghề tự do, buôn bán nhỏ hoặc trở về quê làm nông nghiệp.
Hiện tượng này diễn ra vài năm nay và dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội.
|
Người lao động làm việc tại khu công nghiệp (Ảnh minh họa). |
Anh Phạm Khánh Toàn ở tỉnh Tuyên Quang, cho biết, đã từng làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội 6 năm.
Mặc dù Công ty có chế độ đãi ngộ tốt cho người lao động, tuy nhiên do cường độ làm việc từ 10-12 tiếng mỗi ngày trong xưởng sản xuất khiến anh không còn thời gian dành cho bản thân và chăm sóc gia đình nên anh đã xin nghỉ việc.
Sau đó, anh Toàn cũng xin đi làm ở một số nơi nhưng đều bị từ chối vì lý do quá tuổi tuyển dụng, không phù hợp yêu cầu công việc. Cuối cùng, anh quyết định về quê làm phụ xe tải tuyến Tuyên Quang – Hà Giang.
Anh Phạm Khánh Toàn chia sẻ: “Sau khi nghỉ làm ở khu công nghiệp tôi cũng về nhà và làm một vài việc nhưng công việc không ổn định, hiện tại tôi đã xin làm phụ xe tải với mức lương 4-5 triệu/tháng nhưng tôi có thời gian dành cho gia đình cũng như chủ động xin nghỉ dễ dàng. Khi làm tại công ty cũ, lịch đã sắp xếp theo ngày rồi sẽ không thể xin nghỉ đột xuất được”.
Còn chị Nguyễn Thị Mến, ở Sóc Sơn, Hà Nội, sau 4 năm làm việc tại Công ty nước ngoài ở Thái Nguyên, áp lực của việc làm ca kíp khiến chị không đảm bảo sức khỏe để làm tiếp công việc nên đã xin nghỉ việc.
Sau đó, chị đã đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội thông báo tình trạng thất nghiệp để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp đồng thời đăng ký học nghề pha chế tại trung tâm theo chế độ hỗ trợ của bảo hiểm xã hội cho người thất nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Mến cho biết: “Tôi nghĩ là làm công nhân chỉ ở một độ tuổi nào đó, đến tầm tuổi sức khỏe kém đi sẽ không thể đáp ứng được vì nếu làm ngày thì không sao, nhưng đi làm đêm sẽ rất buồn ngủ, đi xe máy về rất nguy hiểm. Sau khi nghỉ, tôi có ý định đi học nghề, hoặc đi làm thuê cũng có thể mở quán nhỏ để có cuộc sống tốt hơn, hơn là đi làm công nhân ca kíp đêm hôm”.
Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp người lao động vất vả tìm công việc mới để mưu sinh sau khi nghỉ việc tại khu công nghiệp.
Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Phần lớn người lao động chấm dứt việc làm tại các khu công nghiệp ở tầm tuổi hơn 35. Dự báo, chỉ khoảng trong 10 năm nữa sẽ có khoảng 2-3 triệu người bị mất việc làm trước tuổi nghỉ hưu.
Nguyên nhân khiến lao động bị sa thải một phần do người lao động không thích ứng được với áp lực công việc, thay đổi về công nghệ nhưng nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp cần thay lao động trẻ hơn, khỏe hơn, năng suất lao động cao hơn và chỉ phải trả mức lương thấp hơn lao động lâu năm.
Hơn 80% số người lao động nữ sau khi chấm dứt việc làm tại các khu công nghiệp trở về bán hàng rong còn đàn ông làm xe ôm, phụ giúp vợ buôn bán nhỏ tại các chợ của khu công nghiệp họ từng làm việc.
Một số khác ở nhà làm nội trợ, làm công việc tự do hoặc trở về quê làm ruộng. Những lao động này có thể bỏ công việc tạm thời và tái thất nghiệp bất cứ lúc nào và phần lớn không tham gia hoạt động công đoàn tại nơi nào, vì vậy họ không được công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích. Đây là gánh nặng về an sinh xã hội.
Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện Trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết, với tình cảnh người lao động sau nghỉ việc tại khu công nghiệp như vậy, Tổng Liên đoàn có kiến nghị đưa vào trong luật quy định: các doanh nghiệp cần có cam kết đầu tư ít nhất 25-30 năm, để khi người lao động làm việc tại doanh nghiệp có đủ thời gian có số tiền tích lũy của bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.
Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội phải hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho người lao động nhiều hơn.
Ông Vũ Quang Thọ nói: “Đối với công đoàn cũng cần sát hơn với công nhân lao động ở những doanh nghiệp đang có dấu hiệu khó khăn trong sản xuất, tìm mọi cách hỗ trợ. Ví dụ: hỗ trợ bằng cách kiến nghị với chính phủ khó về cơ chế để tháo gỡ, khó về giao thông điện nước. Những khó khăn nếu có khả năng làm được phải tích cực vào cuộc. Với người lao động họ cũng phải tự chăm chút tới mình, tự nâng cao kỷ luật lao động, đặc biệt là nâng cao tay nghề để thích ứng được mọi trường hợp thay đổi kỹ thuật và công nghệ, để người lao động vẫn tiếp tục làm việc được và làm việc với năng suất cao hơn”.