Cầu Bạch Đằng và những kỷ lục, công nghệ mới
VOV.VN - Cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới.
Sau hơn 3 năm tích cực thi công, dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng kết nối Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội sẽ được thông xe chính thức vào ngày 1/9 sắp tới.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn được xây dựng trên tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, có chiều dài gần 5km, mặt cầu rộng 25m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/giờ.
Cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, một trong những cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới, thi công phức tạp nhất sắp được chính thức đưa vào sử dụng. |
Riêng cầu Bạch Đằng dài gần 3km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng.
Đây là một trong những cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới, tổng số vốn xây cầu lên tới 7.662 tỷ đồng.
Cầu Bặc Đằng cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với 4 nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp, nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp hơn những cầu dây văng khác.
Các kỹ sư, chuyên gia của VSL đang lắp đặt, xử lý kỹ thuật tại đầu các bó cáp dây văng cầu Bạch Đằng.
Trên công trường cầu Bạch Đằng những ngày này, công nhân, kỹ sư của nhà thầu VSL (Thụy Sỹ) - Một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thi công cầu dây văng đang tiến hành lắp đặt khe co giãn ở các dầm cầu, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi sức khỏe của cầu dây văng trong quá trình thi công và khai thác.
Theo ông Thái Văn Dũng - Công ty VSL Việt Nam - Giám đốc Dự án Cầu Bạch Đằng cho biết, hiện nay đơn vị đã hoàn thành lắp đặt hệ thống cáp dây văng hệ SSI2000 (hệ song song SI2000) tiên tiến nhất hiện nay. Các công đoạn cuối như: cắt cáp, bơm keo bảo vệ đầu neo, tháo dỡ các hệ sàn thao tác thi công trên trụ tháp…đang được gấp rút hoàn thiện theo đúng kế hoạch.
Việc thi công lắp đặt hệ thống cáp dây văng hệ SSI2000 (hệ song song SI2000) tiên tiến nhất hiện nay được VSL áp dụng tại cầu Bạch Đằng.
“Với khối lượng lắp đặt dây cáp trên cầu Bạch Đằng là hơn 800 tấn, với trên 144 bó cáp kích thước từ 31 đến 85 sợi cáp (tao cáp), đây là một khối lượng công việc đồ sộ. Việc thi công khó khăn, khi nhà thầu VSL luôn phải đối mặt như mưa bão, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên khắc phục khó khăn đó, tất cả công nhân, kỹ sư của VSL tập trung cao độ khắc phục khó khăn, hoàn thành đúng mục tiêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư BOT cầu Bạch Đằng”, ông Thái Văn Dũng cho hay.
Tại dự án này, lần đầu tiên công nghệ xe đúc dầm chạy dưới đặc biệt được áp dụng, ưu điểm là chiều dài đốt đúc lên đến 9,6m, tải trọng đốt đúc lên đến 465 tấn do VSL thiết kế, cũng được thi công và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, VSL còn cung cấp lắp đặt hệ thống gối cầu, khe co giãn của cầu chính, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi sức khỏe của cầu dây văng trong quá trình thi công và khai thác.
Xử lý khe co giãn trên cầu Bạch Đằng.
Ông Dũng cho biết, căng nhất hiện nay là lắp đặt khe co giãn tại trụ T31, tại đây đang được VSL tập trung kỹ sư, công viên và chuyên gia làm việc cao độ liên tục 3 ca để hoàn thành mục tiêu khánh thành cầu Bạch Đằng vào ngày 01/09 theo đúng dự kiến.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, đến thời điểm này, cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam với chiều dài 3,5km, đặc biệt là phần chính cầu Bạch Đằng đã cơ bản hoàn thành để chờ ngày thông xe.
Ông Huỳnh Như Vũ – Chỉ huy trưởng Nhà thầu Trung Nam E&C tại dự án Cầu Bạch Đằng cho biết, hiện các nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như: điện chiếu sáng, biển báo an toàn giao thông. Đồng thời, gấp rút hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về phòng cháy chữa cháy, phương án giao thông, đảm bảo mục tiêu thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng trước ngày Quốc khánh 2/9.
Cầu Bạch Đằng có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng.
“Hiện nay cơ bản đã xong hết cầu chính và cầu dẫn, giờ đến khánh thành khoảng 1 tuần nữa thì công tác chỉ là dọn dẹp, vệ sinh các hạng mục cuối cùng còn các hạng mục chính gần như đã xong hết. Việc sơn kẻ đường, lắp đặt hố ga, đèn chiếu sáng...đang hoàn thiện. Tổng thầu và các đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra..”, ông Vũ quả quyết.
Ngày 24/8, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra và chấp thuận thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, gồm Dự án đường cao tốc nối TP Hạ Long với Cầu Bạch Đằng và Dự án Cầu Bạch Đằng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã thống nhất với ý kiến các thành viên Hội đồng về chất lượng, thiết kế của công trình, đủ điều kiện để thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng trong ngày 1/9/2018.
Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng yêu cầu Chủ đầu tư, các nhà thầu của hai dự án nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, sớm hoàn thành các hạng mục công trình phụ trợ như ánh sáng, biển báo an toàn giao thông, rào chắn đảm bảo tiến độ, mỹ quan.
Việc hoàn thiện tuyến cao tốc này, khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng đã được rút ngắn xuống còn 25 km, thay vì khoảng 70 km như trước đây.
Khi Dự án đi vào khai thác sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nối liền TP Hải Phòng với Quảng Ninh và rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội từ 180km như hiện nay xuống còn 130km với thời gian đi bằng ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng.
Ngoài ra, việc sớm đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long cũng góp phần giảm lưu lượng xe trên QL10 và QL18A./.
Cầu Bạch Đằng phải 2 tháng nữa mới thông xe
Hợp long cầu Bạch Đằng trị giá 7.300 tỷ nối Hải Phòng với Quảng Ninh
Ảnh: Trên công trường thi công cầu Bạch Đằng