Cầu Thăng Long được bảo vệ như thế nào trước “hung thần” xe quá tải?
VOV.VN - Cầu Thăng Long sau khi đưa vào khai thác được các lực lượng chức năng chốt trực 24/24 để kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm tải trọng, nhằm bảo vệ “tuổi thọ” cho cây cầu.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe quá tải lưu thông qua cầu Thăng Long (Hà Nội) đã bị xử lý nghiêm nhằm bảo vệ kết cấu cũng như tuổi thọ công trình sau khi sửa chữa và đưa vào thông xe, khai thác.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy sau 10 ngày (từ ngày 7-17/1) thực hiện lập chốt trực kiểm tra, kiểm soát xe quá tải, số xe tải vi phạm phát hiện và xử lý vi phạm hành chính là 7 xe, lập tổng số 14 biên bản lỗi vi phạm hành chính, xử phạt gần 400 triệu đồng.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), sau khi thông xe cầu Thăng Long, Tổ kiểm tra tải trọng xe thực hiện nhiệm vụ từ ngày 7/1, chia làm 3 ca trực 24/24 giờ các ngày trong tuần kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Mỗi ca trực có 3 công chức thanh tra của Cục Quản lý đường bộ 1 và 3 thanh tra viên, công chức, nhân viên của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.
Vị trí trạm cân tải trọng tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt cũng được Cục Quản lý đường bộ 1 thay đổi để kiểm soát tải trọng xe khi di chuyển sang đầu cầu Thăng Long (phía Bắc) hướng Nội Bài đi vào trung tâm thành phố Hà Nội. Đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động trên tuyến đường cầu Thăng Long-Đường vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt.
Ông Lâm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm soát tải trọng xe như các phương tiện xe tải lưu thông qua cầu Thăng Long đi theo chiều hướng nhiều nút giao lên, xuống cầu, vì vậy rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát được các xe có dấu hiệu vi phạm.
“Lực lượng của các ca trực chỉ có 6 người nên không thể thường xuyên vừa trực tại điểm đặt cân tải trọng vừa tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nhất là phía Nam cầu Thăng Long hướng đi từ trung tâm thành phố Hà Nội đến Nội Bài”, ông Lâm nói.
Mặt khác, vị trí đặt cân tải trọng tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt không kiểm tra, kiểm soát được hết các xe chở hàng vi phạm tải trọng qua cầu. Vị trí đặt cân hiện nay tại đầu cầu Thăng Long (phía Bắc) kiểm tra, kiểm soát được các xe lưu thông qua cầu theo hướng Nội Bài vào trung tâm thành phố Hà Nội; có tác dụng tuyên truyền, cảnh báo cho lái xe chở hàng chấp hành đúng quy định về tải trọng.
“Tuy nhiên, tại vị trí này lại không kiểm soát được các xe tải qua cầu theo hướng ngược lại (từ phía Nam sang), là vị trí nút giao đầu cầu, đường dốc, không phù hợp cho việc đặt cân tải trọng,” ông Lâm thừa nhận.
Để công tác kiểm soát tải trọng xe bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cầu Thăng Long đạt kết quả cao, Cục Quản lý đường bộ 1 kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản đề nghị Công an thành phố, Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường phía nam cầu Thăng Long nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính kịp thời đối với các xe chở quá tải trọng lưu thông qua cầu.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, việc kiểm soát tải trọng xe cầu Thăng Long sẽ tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên tuyến đường Vành đai 3, nhằm bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo tuổi thọ công trình cầu Thăng Long.
“Lực lượng Thanh tra giao thông của Tổng cục và Sở GTVT Hà Nội kiên quyết xử lý các hành vi phạm hành chính của các phương tiện vận chuyển hàng hóa, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, quá tải trọng cầu, đường, quá khổ giới hạn cầu, đường theo đúng quy định, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, bà Hiền khẳng định.
Sáng ngày 7/1, cầu Thăng Long đã chính thức được thông xe sau gần 5 tháng sửa chữa và thi công với tổng kinh phí gần 270 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ đã lựa chọn giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng sau đó thảm bê tông nhựa polime.
Với phương án này, mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhưa polime là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa)./.