Chất lượng nguồn nhân lực thấp: Đào tạo vẫn theo kiểu bao cấp
VOV.VN -Các trường nghề hiện nay vẫn đào tạo thứ mà trường có, chưa phải thứ xã hội cần, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa cao so với các nước.
Đây là vấn đề được đưa ra tại Tọa đàm “Để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao” vừa diễn ra chiều nay (3/5) tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Nói về nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho cho rằng, ngay cả quan niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cũng đang có vấn đề, có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung có 2 tiêu chí về trí lực và thể lực để đánh giá nguồn nhân lực. Theo đó, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là nguồn nhân lực phải có trí tuệ, nhân cách, tay nghề vượt trội, năng lực thực tế để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ, nhất là so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Nguồn nhân lực này cũng phải đảm bảo tính tri thức và hiện đại, có vậy mới đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp cận với cuộc CMCN 4.0.
Chỉ 23% lao động Việt Nam hiện nay đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. (Ảnh minh họa, KT) |
Còn theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), không phải nhân lực trình độ cao thì chất lượng sẽ cao. Trên thực tế, có những lao động, học sinh sinh viên được đào tạo một cách bài bản trong hệ thống trung cấp, cao đẳng có kiến thức kỹ năng và năng lực tốt, thì cũng có thể coi đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đánh giá tổng quát về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, ông Dũng cho rằng, cả nước đang có trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số là lao động trẻ. Đây là cơ hội Việt Nam cần tận dụng để bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực. Song có một thức tế rằng trình độ lao động Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ 23% trong số này đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Con số này so với tương quan của các quốc gia trong khu vực vẫn còn khá thấp, khó tạo ra năng suất lao động tiệm cận với các nước phát triển.
Còn theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.
Lao động giá rẻ không còn là lợi thế
Nhìn nhận, đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam từng trải qua giai đoạn mở cửa, hay nói cách khác trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Đây là hướng đi tốt, trong giai đoạn dịch chuyển này, phần lớn lao động không thể đào tạo một cách bài bản mà đưa vào sử dụng ngay để giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên, đến nay, trong quá trình hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại thế giới, đòi hỏi lao động Việt Nam cần có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để làm được điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần có cách đánh giá, nhìn nhận phù hợp với nhu cầu thị trường lao động từng thời kỳ. Trong đó, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thay đổi cách thức đào tạo, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, thu gọn đầu mối, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, trang bị trang thiết bị học tập đầy đủ cho học sinh, sinh viên.
“Hiện nay, chúng ta đang bị thời kỳ bao cấp lấn sân, các trường đào tạo cái nhà trường có, không phải cái thị trường cần. Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh đào tạo song song cả ở nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay. Các trường cần đi trước, đón đầu xu hướng của xã hội”, ông Lợi nhấn mạnh.
Còn theo ông Trương Anh Dũng, Việt Nam cần có những điều chỉnh chiến lược quy hoạch lại nguồn nhân lực. Cùng chung nhận định lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam, ông Dũng cho rằng, cần tập trung vào những lao động có tay nghề, trình độ cao. Một trong những giải pháp hàng đầu cần thực hiện ngay là xây dựng hệ thống nhân lực có chất lượng.
“Chính phủ đang tiếp tục rà soát các hệ thống cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng muốn đào tạo nhân lực có chất lượng thì cần có nguồn lực rất lớn. Hiện nay, chi phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đều rất lớn. Ví dụ như ở nước ta, các trường nghề cấp tỉnh được đẩu tư 40 tỷ, hay cấp thành phố là 400 tỷ đã là ghê gớm, nhưng các nước trên thế giới, để mở một trường nghề phải mất tới 400 triệu USD. Song trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là giải pháp cần tập trung”, ông Dũng nhấn mạnh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết thêm, hiện nay Bộ LĐ-TB-XH đang chủ động, tích cực kết nối với các tập đoàn lớn, bàn giải pháp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cơ hội thực hành, thực tế cho sinh viên. Bộ cũng đã ban hành các quy chế hợp tác song phương giữa nhà trường và doanh nghiệp./.
Tăng thu nhập: Năng suất, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là nút thắt