Cho phép thu hồi đất khu vực mỏ để giải bài toán vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam
VOV.VN - Nhiều mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 vẫn chưa được khai thác do các vướng mắc về giá đền bù, điều này đang là rào cản khiến nhiều gói thầu chưa thể thi công đồng loạt hoặc chưa huy động hết công suất máy móc, gây lãng phí.
Vậy giải pháp nào để tháo gỡ nút thắt này cũng như làm sao giải được bài toán vật liệu đắp nền cho các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác các mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông hiện nay?
Ông Nguyễn Thế Minh: Xác định mỏ vật liệu là khâu then chốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông và rút kinh nghiệm từ bài học triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 không có vật liệu.
Bởi vì các mỏ vật liệu đã cấp phép, khai thác từ trước đến nay chủ yếu phục vụ nhu cầu các dự án của địa phương, nên khả năng khai thác và cung ứng rất hạn chế, khi triển khai dự án cao tốc nhu cầu vật liệu rất lớn, dẫn đến các mỏ đang khai thác không đáp ứng và cần mở các mỏ mới.
Vì vậy ngay từ đầu Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao trực tiếp mỏ vật liệu cho nhà thầu khai thác, chủ động về nguồn vật liệu. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/2022 cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ TNMT đã có hướng dẫn rất cụ thể, nhưng khi mới thực hiện các địa phương còn lúng túng.
Tuy nhiên với sự chỉ đọa quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ GTVT, TNMT các thủ tục liên quan đến việc xác nhận bản đăng kí theo quy định của Luật Khoáng sản đã được tháo gỡ, đến nay các địa phiowng cơ bản đã xác nhận bản đăng kí khai thác, giao mỏ cho các nhà thầu khai thác đạt trên 70%.
PV: Mặc dù Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án này, thế nhưng việc khai thác lại đang vướng ở khâu thỏa thuận với người dân. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế, chính sách thế nào để tháo gỡ?
Ông Nguyễn Thế Minh: Hiện nay vướng nhất liên quan đến thủ tục đất đai, trong đó việc thỏa thuận giá chuyển nhượng đang gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ đất khu vực mỏ vật liệu thuộc sở hữu của các hộ dân. Tuy nhiên người dân luôn mong muốn giá giá đền bù/chuyển nhượng cao.
Nắm bắt được việc này Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT thành lập 2 đoàn công tác do thứ trưởng các bộ xuống làm việc với địa phương từ tháng 7 và đã kịp thời báo cáo Thủ tướng trong trong phiên họp của Ban chỉ đạo lần thứ 7.
Theo đó Chính phủ chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ công tác gồm các sở ngành xuống hỗ trợ trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng với người dân, đến nay cơ bản đã được người dân đồng thuận, tuy nhiên vẫn còn một số vị trí mỏ người dân chưa đồng thuận mức giá đền bù.
Hiện nay pháp luật chưa có chế tài quy định vấn đề này, nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT nghiên cứu, báo cáo Quốc hội sửa Luật Khoáng sản.
Theo đó các mỏ vật liệu xây dựng không thuộc diện Luật Khoáng sản quản lý và đảm bảo thông thoáng hơn, đối với các dự án quan trọng quốc gia đất ở các khu vực mỏ được phép thu hồi thì mới giải quyết được bài toán hiện nay.
PV: Vật liệu đắp nền đường tại các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang thiếu trầm trọng, mới đây Bộ GTVT đã thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc. Vậy trong thời gian chờ thí điểm, Bộ GTVT có phương án gì về vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực này?
Ông Nguyễn Thế Minh: Xác định vật liệu khu vực ĐBSCL phục vụ các dự án cao tốc hết sức quan trọng, để đảm bảo tiến độ triển khai Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có nguồn vật liệu cát phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh để cấp cho dự án.
Đến nay các nhà thầu đang triển khai các thủ tục để khai thác, trong tháng 9 tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao mỏ đầu tiên, tức là về nguồn cho dự án đã được xác định.
Tuy nhiên nguồn vật liệu cát trong khu vực ĐBSCL sẽ ngày càng khan hiếm, vì thế Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT nghiên cứu đề án khai thác và sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp trong khu vực này. Bộ GTVT đã thí điểm một đoạn ĐT948 hiện nay việc thi công thí điểm đã hoàn thành và đang tiếp tục quan trắc theo dõi, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đánh giá toàn diện về khả năng sử dụng.
Vì vậy, nguồn vật liệu cho các dự án trước mắt vẫn ưu tiên sử dụng nguồn cát song, các tỉnh có nguồn vật liệu cát đều đã cam kết cấp đủ cho dự án.
PV: Xin cảm ơn ông!