Chưa đưa quy định đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà, đất
VOV.VN - Chưa đưa quy định đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh vừa ký tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, để xây dựng nội dung trong tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan có liên quan đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được triển khai nghiêm túc, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả.
Việc lấy ý kiến về dự luật đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.
"Các ý kiến tham gia của nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm. Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến, góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến, Chính phủ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến phản biện xã hội lần 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong quá trình lấy ý kiến có một số vấn đề lớn mà nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính vì thế, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn. Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cụ thể, một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể hiện trong dự thảo luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh như: "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế; quy định cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; Quy định xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; cơ chế đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững,… trong pháp luật về kinh doanh bất động sản…".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các nội dung này cần thể chế hóa trong các luật có liên quan. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có kế hoạch xây dựng luật để kịp thời thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18 nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công chứng và Luật Các tổ chức tín dụng,…), Chính phủ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan thẩm tra phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rà soát, thống nhất quy định với dự thảo Luật Đất đai trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua./.