Chưa thể đánh giá thiệt hại từ dịch Covid-19
VOV.VN - Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang, hiện chưa đủ thông tin nên không thể khẳng định có nên kích thích kinh tế, kích cầu hay không.
Sáng 25/2, tại Hà Nội, Đảng ủy khối các Cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề quý 1/2020.
Dự hội nghị có ông Mai Tiến Dũng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Sơn Minh Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Tại Hội nghị, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trình bày chuyên đề “Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự của Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo ông Lê Xuân Sang, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Hồ Bắc (Trung Quốc) giảm dần, tình hình thuốc chữa trị ngày càng khả quan, thời tiết nóng dần lên là nhân tố hỗ trợ đẩy lùi dịch. Tuy nhiên, cơ chế lan truyền của dịch bệnh hiện vẫn chưa xác định rõ, ngay cả những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng cũng có thể truyền nhiễm.
Ông Lê Xuân Sang cho rằng, Việt Nam khá thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Các nguyên nhân ít người lây nhiễm và kiểm soát khá thành công có thể là Việt Nam chủ yếu có quan hệ với các tỉnh biên giới Trung Quốc (nơi ít bệnh dịch), ít có quan hệ với các địa phương ở sâu trong nội địa Trung Quốc như Vũ Hán, năng lực phòng chống dịch bệnh khá tốt, có kinh nghiệm, khí hậu nhiệt đới, nóng là nhân tố ủng hộ.
Nhìn nhận tác động của bệnh dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế thế giới và Việt Nam, ông Sang cho rằng dịch bệnh làm giảm nhân lực, gián đoạn sản xuất của các ngành du lịch, vận tải… nhưng ngành kinh tế số lại phát triển do gia tăng giao dịch qua mạng, giao dịch từ xa…
Ông Lê Xuân Sang |
Nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 19% GDP toàn cầu và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với nhiều nước, nhất là các nước láng giềng. Các ngành thiệt hại nặng là hàng không, du lịch, nhà hàng, nông nghiệp, sản xuất rượu bia, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Ông Sang đưa ra một số thông tin tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam như lượng hành khách di chuyển bằng máy bay đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái (theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam).
Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí xét nghiệm cho những người trong diện nghi ngờ và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus SARS-CoV-2, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 kể cả trường hợp không có bảo hiểm (coi như chi tiêu công để tính vào GDP).
Đánh giá về tình hình tăng trưởng, theo ông Lê Xuân Sang, thách thức để đạt tăng trưởng GDP như đặt ra là khá lớn. Hiện còn quá sớm để đánh giá thiệt hại từ dịch Covid-19 với tăng trưởng GDP.
"Chúng ta phải xác định rõ, thế nào là được, là mất, là cần phải giải cứu. Hiện chưa đủ thông tin nên không thể khẳng định có nên kích thích kinh tế, kích cầu hay không. Phải trả lời được câu hỏi tại sao phải kích, kích vào ngành nào, lĩnh vực nào, kích vào lúc nào, dung lượng thời hạn, nguồn lực từ đâu, giám sát như thế nào.
Vấn đề là cần nhấn mạnh bài toán chi phí – lợi ích dài hạn khi quyết định kích thích kinh tế/kích cầu", ông Sang nhấn mạnh.
Ông Mai Tiến Dũng |
Ông Mai Tiến Dũng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: "Chúng ta đang gặp thiệt hại nặng nề về kinh tế liên quan đến dịch Covid-19. Tinh thần mà Thủ tướng đưa ra là "chống dịch như chống giặc", chấp nhận thiệt hại kinh tế để đổi lấy an toàn tính mạng người dân, siết chặt vấn đề nhập cảnh của người nước ngoài từ vùng dịch và dứt khoát tuyệt đối phải cách ly dù bất cứ ai. Áp dụng biện pháp cách ly tập trung là chính để hạn chế lây chéo".
Tại Hội nghị, ông Mai Tiến Dũng thông tin một số vấn đề liên quan đến Cải cách hành chính và hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần thực hiện phương châm hành động 2020 của Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả".
Cụ thể, ông Mai Tiến Dũng báo cáo những công việc mà Văn phòng Chính phủ đã làm, đi sâu vào vấn đề cải cách thủ tục hành chính, triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, kết quả triển khai từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa ra một số bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới./.