Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam: Nên thừa nhận hay không?
VOV.VN -Người chuyển giới được quyền xác định lại giới tính mới của mình, có nghĩa chúng ta thừa nhận việc họ đã chuyển đổi giới tính?
Bài 1: Hành trình đau đớn để được “sống thật” của những người chuyển giới
Bài 2: Chấp nhận đau đớn để được sống thật: Không dễ với người chuyển giới
Xem thêm: Người chuyển giới có quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 500 - 1.000 người ra nước ngoài chuyển giới, sau đó về nước sống. Do luật pháp nước ta hiện chưa cho phép thực hiện tại Việt Nam nên người chuyển giới phải sang nước ngoài làm “chui”, do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.
Theo dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, tuy nhiên các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.
|
Thừa nhận hay không thừa nhận?
Báo cáo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về Thẩm tra dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Khoản 2 Điều 36 dự thảo quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Theo Ủy ban pháp luật: Việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.
Ông Phan Trung Lý khẳng định: Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan Nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện, thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.
Nhiều đại biểu khi tham gia đóng góp cho dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) vào sáng 10/6 cho rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội. Nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Đằng này vừa “đóng” vừa “mở” sẽ có sự mâu thuẫn, khó hiểu.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng ở đây có sự “đá” nhau trong quy định. Có thể hiểu rằng, sau khi chuyển giới xong, người chuyển giới được quyền yêu cầu cơ quan chức năng xác định lại giới tính mới của mình. Nhưng nếu chúng ta xác định lại thì có nghĩ đã thừa nhận việc họ đã chuyển đổi giới tính. Trong khi đó Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính.
Theo ông Ánh, nếu không thừa nhận ngay từ đầu thì khi người chuyển giới đề nghị, cũng không chuyển đổi giấy tờ cho họ.
Tương tự, đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) nhấn mạnh, việc không thừa nhận vô hình trung gián tiếp đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi giới tính. Ông Hải nói: “Nếu không cho phép thì cấm luôn, còn nếu đồng ý thì phải tạo điều kiện để các cơ sở y tế trong nước có phương hướng thực hiện, vì trong nước hiện nay không cho phép, nên người chuyển giới phải sang Thái Lan hoặc nước khác để làm. Cho nên đề nghị chỗ này cần làm rõ”.
Đã là xu hướng thì không thể chối cãi
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng cần chia ra hai đối tượng: Thứ nhất, những người đang bình thường mà lại đi phẫn thuật chuyển sang giới khác thì không cho phép là đúng. Thứ hai là những người có khiếm khuyết về cơ thể, sống trong “vỏ bọc” của giới khác thì nên tạo điều kiện cho họ chuyển giới để được “sống thật” với giới tính của họ.
Nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận xét, Nhà nước không thừa nhận chuyển giới, song những trường hợp đã chuyển giới ở nước ngoài (ở đây là làm chui) trở về thì giải quyết như thế nào? Vấn đề ở đây là gắn quyền con người, quyền nhân thân của những người đã chuyển đổi giới tính.
Do đó, đối với những trường hợp “đã lỡ” rồi thì pháp luật phải đứng về phía họ, bảo vệ quyền cho họ. Ở đây không có gì là mâu thuẫn, vì thực tế đã tồn tại như vậy. Bên cạnh đó còn bảo đảm tính nhân văn, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thừa nhận, ở Việt Nam có nhiều ý kiến đồng tình cho phép chuyển đổi giới tính. Vì những gì tồn tại trên thực tế thì không thể chối cãi được. Tuy nhiên, việc đồng ý đưa vào luật ở thời kỳ nào cho thích hợp điều là điều cần bàn thêm.
“Ở Việt Nam, thuần phong mỹ tục khác với phương Tây, còn xu hướng là không chối cãi những gì đã có trên thực tế, chỉ còn vấn đề cố gắng đưa vào luật để làm tốt hơn thôi, bên cạnh đó cần thống kê xem số lượng đối tượng này có nhiều không” – ông Trần Ngọc Vinh chia sẻ.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh: “Thực tế có nhiều người bên ngoài là nữ nhưng giấy tờ là nam và ngược lại, cho nên cần có quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhóm người này. Tuy nhiên, luật cũng cần nên xem vấn đề chuyển giới này có đúng không, hay anh sinh ra đang có quyền làm nam giới thì lại thích chuyển sang nữ. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Do bẩm sinh thì chúng ta nên xem xét chấp nhận, còn nếu chuyển giới do đua đua đòi thì không chấp nhận”./.