Phó Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đưa ra dự đoán về vật thể lạ rơi ở Yên Bái và Tuyên Quang đang xôn xao dư luận trong những ngày qua.
Để tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc của những vật thể lạ vừa rơi ở Yên Bái, Tuyên Quang, PV VTC News đã phỏng vấn Ths. Vũ Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
|
Ths. Vũ Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
- Hai vật thể lạ rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang trong những ngày qua khiến người dân vừa hoang mang vừa tò mò. Với góc độ là một chuyên gia chuyên nghiên cứu về khoa học vũ trụ, chắc hẳn ông cũng có những nhận định của riêng mình về vụ việc này?
Tôi chưa được tiếp xúc với vật thể lạ rơi ở Yên Bái và Tuyên Quang nên chưa thể lý giải cụ thể. Dựa trên một số hình ảnh trên báo chí đã đưa trong thời gian gần đây thì tôi cũng có một số nhận định của riêng mình.
Thứ nhất: Cá nhân tôi cho rằng ít có khả năng vật thể lạ là một bộ phận của vệ tinh. Bởi vì, thông thường những vệ tinh ấy được các cơ quan nghiên cứu theo dõi rất kỹ. Vì thế chúng ta cũng có thể biết được một số vệ tinh khi trở về trái đất sẽ như thế nào.
Thứ hai: Tôi cho rằng có khả năng vật thể lạ là một bộ phận của tên lửa. Hôm qua, tôi cũng cho chạy thử một số chương trình, thử xem tầng 2 của tên lửa Zenit (một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết) liệu có thể rơi xuống Trái đất vào thời điểm ấy không. Khi tôi tính thử thì nó có thể rơi tầm khoảng 23 đến 25 ngày.
Tôi nghĩ rằng nếu như vật thể này là một bộ phận của tên lửa Zenit thật thì có thể có một sự tính toán không được như mong muốn. Các nhà khoa học đã cố gắng thiết kế cho tên lửa rơi xuống vùng Đại Tây Dương thì nó lại rơi vào vùng đất liền. Có thể rơi xuống Yên Bái như chúng ta được biết.
Hôm qua tôi cũng vào kiểm tra tên lửa Zenit thì ở tầng thứ 2 dùng động cơ MD120 có hai bình, kích thước khoảng 40 cm.
Tuy nhiên, thông tin về tên lửa cũng rất hạn chế. Để có thể biết chính xác hơn thì tôi nghĩ phải có nghiên cứu và cần liên hệ với Nga xem liệu vật thể lạ ở Việt Nam có phải của tên lửa Zenit hay không?
Tôi vẫn khẳng định những phân tích trên đều chỉ là có khả năng xảy ra và chưa thể khẳng định chính xác. Trong khoa học, mọi điều đều có khả năng xảy ra.
|
Động cơ RD 120 tầng 2 tên lửa Zenit 2-SB cũng có 2 khối cầu có kích thước tương tự 2 vật thể lạ phát hiện ở Việt Nam |
|
Các đơn vị chức năng tỉnh Yên Bái làm việc để đưa ra kết luận về hai "vật thể lạ" được người dân tìm thấy ngày 2/1 |
- Những trường hợp vật thể lạ rơi ở nước ngoài có thường xuyên xảy ra như với trường hợp vừa xảy ra ở Việt Nam hay không, thưa ông?
Theo tôi được biết thì những trường hợp vật thể lạ rơi không nhiều. Đối với việc phóng tên lửa, nhà khoa học cũng tính được điểm rơi của các tầng của tên lửa.
Các nhà khoa học sẽ tính toán các tầng sẽ được đưa vào khí quyển trong thời gian nào và các cơ quan có trách nhiệm sẽ có thể cảnh báo được là những bộ phận đó rơi đi đâu và trong khoảng thời gian nào.
Các nhà khoa học khi phóng tên lửa cũng rất quan tâm vấn đề các tầng tên lửa được rơi đúng điểm mong muốn. Tầng trên cùng như vệ tinh, trở thành rác thải vũ trụ nhưng ở trên vũ trụ rất lâu, có thể lên tới hàng chục năm.
- Như vậy, nguy cơ từ rác thải vũ trụ cũng là rất lớn?
Cho đến thời điểm này NASA tính toán là có phải hơn 20.000 rác thải, vật thể, gọi là rác vũ trụ ở trên không gian. Ví dụ vào năm 2011, chỉ có khoảng 15.000 vật thể trên 10cm, bây giờ lên 22-23.000 vật thể.
Trong khi đó, số lượng rác thải từ 1cm cho đến 10cm thì nó lên tới 670.000 vật thể .Những rác thải vũ trụ này hoạt động ở tốc độ khoảng 7,7 km/giây, rất lớn.
Nếu vật thể, rác thải trên 10cm thì có thể phá hỏng cả vệ tinh ở trên trời và khi đó sẽ gây ra mảnh vỡ tiếp theo. Trong khi đó, những rác thải 1cm cũng có khả năng làm hỏng những chức năng của vệ tinh. Vì vậy, vấn đề rác thải vũ trụ hiện nay đang được nhiều nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Khi những vật thể này trở về Trái Đất thì ma sát với khí quyển và gần như tất cả rác thải cháy hết. Một năm có hàng trăm vật thể như vậy về Trái Đất nhưng hầu hết bị cháy hết. Tất nhiên, vẫn còn những phần khó có thể bị cháy, ví dụ bình nhiên liệu, thấu kính...
Trái Đất rất rộng lớn và phần lớn những tổn thất do vệ tinh rơi xuống thì hầu như rất nhỏ.
- Số liệu thống kê về những sự cố của tên lửa hàng năm có lớn không, thưa ông?
Việc các tên lửa bị hỏng sẽ trở thành một thảm họa. Hàng năm, các tên lửa đẩy vệ tinh liên tục được phóng đi.
Ví dụ năm 2015 cả toàn thế giới có 86 tên lửa được phóng đi. Năm 2014, theo thống kê có 92 tên lửa được phóng đi, đẩy gần 300 vệ tinh lên Trái Đất.
Cũng theo thống kê chính thức, năm 2015, trong 86 tên lửa phóng đi thì có 5 cái bị hỏng. Năm 2014, trong 92 tên lửa được phóng đi thì có 4 cái bị sự cố.
- Đây là lần đầu tiên những vật thể lạ rơi ở Việt Nam. Vậy chúng ta sẽ làm gì nếu chẳng may bị rơi vào nhà dân?
Đó cũng là những điều trăn trở về những người làm công nghệ không gian, công nghệ vũ trụ như chúng tôi.
Những nhà khoa học như chúng tôi mong muốn Nhà nước, Quốc hội phê chuẩn tham gia vào một số hiệp ước về khoảng không vũ trụ, đặc biệt là các hiệp ước của Liên hợp quốc.
Ngoài hiệp ước về khoảng không vũ trụ mà Việt Nam đã tham gia vào những năm 80 của thế kỷ trước thì Việt Nam nên tham gia sớm hai hiệp ước.
Thứ nhất là hiệp ước về đăng ký vệ tinh (bất kỳ một vật thể nào phóng vào vũ trụ đều được đăng ký). Khi tham gia hiệp ước này, Việt Nam được đăng ký một cách chính thức với Liên hợp quốc và sau này có cơ sở để bảo vệ quyền lợi. Trong khi đó, các quốc gia khác phóng vệ tinh, hay tên lửa lên vũ trụ thì có thông tin để bảo vệ an toàn.
Thứ hai, Việt Nam nên tham gia vào hiệp ước về trách nhiệm của vật thể rơi. Hiệp ước này sẽ vô cùng quan trọng trong trường hợp những vật thể rơi vào nhà dân. Khi đó, người thân sẽ biết phải đi kiện ai, đòi quyền lợi như thế nào.
Việc Việt Nam tham gia vào công ước về trách nhiệm thì sẽ có những tác dụng to lớn. Nếu tương lai có những sự cố như vậy xảy ra thì những người Việt Nam chịu ảnh hưởng còn được bảo vệ, ít nhất là sự ủng hộ của Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế.
Xin cảm ơn ông!./.