Có một Hà Nội trong tôi

VOV.VN - Cứ một lần trung tâm thủ đô lung linh sắc màu đến kỳ diệu, lại ước ao bao giờ cho hết vùng sâu, vùng xa giữa lòng Hà Nội.

Ký ức về Hà Nội to đẹp, nên thơ

Tôi nhìn thấy Hà Nội từ rạng sáng ngày 2 tháng 9 năm 1966. Bỏ lại đằng sau cả 600 cây số đường dài đầy bom và nắng, đi bộ từ giới tuyến Vĩnh Linh đến ga Cát Đằng mới được lên tàu. Chuyến tàu đêm muộn mằn nhọc nhằn trườn qua những cánh đồng không gió, oi nồng đến ngạt thở. Khi các bà đi chợ gọi nhau “Đến ga Tía rồi đấy” thì trời đổ mưa.

Mưa sầm sập, mưa chan chứa. Mỗi lần chớp lóe sáng, nhìn rõ đầu tàu đen trũi như mũi khoan sần sùi xuyên màn đêm, xuyên mãi đến rạng sáng thì đến ga Hàng Cỏ - cái tên tôi chỉ biết qua bài tập đọc hồi cấp Một. Mưa ngớt dần, rồi tạnh hẳn. Nắng nhảy nhót trên vòm nhà cao tầng, to hơn nhiều ngôi nhà thờ Ba Bình. Ở tuổi hai mươi rồi mà cái to nhất để so sánh chỉ là ngôi nhà thờ Công giáo thâm nghiêm trong lũy tre làng.

Đoàn chúng tôi – học sinh Vĩnh Linh đến giảng đường đại học có 6 người, một nữ sinh thị trấn xinh đẹp và 5 anh nhà quê rắn rỏi, chân chất, mộc mạc. Chặng đường dài trải đầy bom đạn, nắng gắt và mưa rào, chúng tôi vẫn đi phăm phăm. Ấy vậy mà đến Hà Nội lại mỏi chân. Chúng tôi đi giữa Hà Nội vẫn theo đội hình hành quân “hàng một”, người nọ bám sát người kia, vì sợ lạc. Mà lạc thật. Hỏi đường đến Hồ Gươm lại ngoặt lên Khâm Thiên. Nhưng không sao, lại biết thêm một con phố Hà Nội xưa mà sách vở nói nhiều đến “xóm cô đầu”. Tìm đến được Hồ Hoàn Kiếm, ngó nghiêng tháp Rùa một lúc, cả lũ lại về cuối đường Trần Hưng Đạo, ngủ vùi dưới vòm ngôi nhà lớn.

Ngày đầu bắt gặp, Hà Nội trong tôi cái gì cũng to, cũng đẹp, cũng nên thơ, gần gũi... (Ảnh minh họa)

Đề phòng máy bay địch oanh tạc nên tàu không chạy từ Hàng Cỏ. Xế trưa, chuẩn bị qua ga Yên Viên đi tàu lên Phổ Yên thì những hồi còi hú vang. Báo động. Máy bay địch cách xa Hà Nội, nhưng phải cảnh giác. Mọi người nháo nhào tìm nơi trú ẩn. Cả sáu đứa nhìn lên trời, ngạc nhiên. Vì hai năm nay đã quen với phản lực, cường kích, oanh tạc, tọa độ, thế nào là bắn đón, bổ nhào nên mới nghe báo động cứ cho là thường.

Mấy anh tự vệ thủ đô đeo băng đỏ đến giục: “Mấy ông tướng này, xuống hầm đi, chủ quan quá”. Có chủ quan, chủ tướng gì đâu. Quen rồi. Mới trưa hôm qua, cánh này mới chịu bom ở Cầu Yên, Ninh Bình, suýt chết mà. Khi thấy máy bay bổ nhào, cắt bom, cả lũ hè nhau chạy cắt ngang, nhao xuống mương nên chẳng sao cả. Phải nhìn thấy máy bay, thấy bom để tránh mới không sợ, chứ mới nghe tiếng rú đã chui xuống hầm thì sợ lắm. Anh bạn Nguyễn Văn Các lè lưỡi: “Ở đây, họ sợ quá, hè.” Tôi bảo vì họ chưa quen thôi.

Hỏi đường mãi rồi chúng tôi cũng đi qua cầu Long Biên. Hà Nội đọng lại trong tôi câu thơ học từ thời cấp Một “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài, vừa rộng bắc trên sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Bộ hành tấp nập, gánh gồng ngược xuôi”. Kim Nga, cô bạn gái duy nhất trong đoàn cùng tôi vào giảng đường Tổng hợp Văn. Nga mải ngắm bãi nổi xanh um giữa sông Hồng, còn tôi thì chăm chú đếm từng thanh sắt chéo xiên như hàng rào của cây cầu đồ sộ, đen trũi, dài ngoằng. Với tôi, lúc ấy, cái Cầu Điện đúc bằng xi măng, một trụ, hai nhịp bắc qua sông Hồ Xá đã là to lắm rồi, không thể so với cầu Long Biên. Ngày đầu bắt gặp, Hà Nội trong tôi cái gì cũng to, cũng đẹp, cũng nên thơ, gần gũi. Giá như không có còi báo động, không có đám người hốt hoảng tìm nơi trú ẩn thì thủ đô bình yên đến lạ lùng.

Một Hà Nội lưu giữ những hoài niệm khôn nguôi

Mùa Đông năm 1972, giữa Động Mang Chang, miền tây Thừa Thiên - Huế, trước khi khoác ba lô đi công tác, tôi viết liền ba bức thư gửi cho vợ con, cho mẹ đẻ và cho bố vợ. Một ngày hành quân cùng đơn vị pháo binh tưởng yên ả, nào ngờ, đúng trưa, B 52 rải thảm đúng đội hình. Người hy sinh, người bị thương, tôi là một trong những người sống sót sau cơn địa chấn kinh hoàng ấy. Sau một tháng, mở đài nghe tin kinh hoàng hơn: B52 rải thảm Hà Nội. Hai chữ hủy diệt trùm lên Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ, bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì. Phố Vọng, nơi vợ con tôi ở chỉ cách bệnh viện Bạch Mai bề rộng con đường huyết mạch xuôi vào Nam Bộ.

Hà Nội “máu và hoa”, Hà Nội đau thương và quật cường: “Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”. Hà Nội của niềm tin yêu và hy vọng. Tiếng nói, tiếng thơ và tiếng hát vang lên trên Đài phát thanh quốc gia ngày ấy khắc vào tim, in sâu vào nỗi nhớ, lưu giữ miền hoài niệm khôn nguôi.

Những ngõ nhỏ, phố nhỏ là "đặc trưng" trong ký ức bao người về Hà Nội

Biết rằng nghề nghiệp, cuộc đời gắn liền với Hà Nội nên đến khi cháu đích tôn ra đời, vợ chồng tôi mua đất làm nhà ở Làng Mai. Miếng đất nằm cheo leo bên hồ nước phủ kín bèo tây và rau muống, dấu tích còn lại của Ấp Kẻ Mơ, Kẻ Mai từ thời anh em Đô úy Trần Khát Chân và Trần Hãng thắng giặc ngoại xâm, bảo toàn Thăng Long được Vua ban cho.

Cách mấy trăm thước là chùa Nga My, đền thờ Trần Khát Chân, Trần Hãng. Mảnh đất địa linh nhân kiệt, của gạo, cá, cà pháo, đậu Mơ, rượu Cúc nổi tiếng khắp vùng. Trong Dư địa chí, Cụ Nguyễn Trãi ghi: “Đất đỏ thì chín cùng sắc xanh đen ruộng vào trang thượng thượng. Hơn nữa dòng sông Kim Ngưu như một dải lụa... Đặc sản có: “Rượu Mơ, rượu Cúc của My Động thường được cung tiến để vua thưởng lãm và làm Ngự tửu ban cho quần thần trong những ngày vui”.

Biết bao thế hệ đi qua, để lại chiến công và dấu ấn cho đời sau, nhưng thế hệ ngày nay vẫn nhớ về 60 năm trước, Hà Nội, Làng Mai hoàn toàn giải phóng như mới hôm qua. Năm 1957, Hoàng Mai đổi tên thành xã Hoàng Văn Thụ để ghi nhớ nơi người con ưu tú của Đảng, của dân ngã xuống trước mũi súng quân thù.

Tháng 10 năm 1990, xã Hoàng Văn Thụ lên phố, lên đời, thành phường thứ 25 của quận Hai Bà Trưng. Ngày đầu ra phố, lên phường, Hoàng Văn Thụ có hơn 6.000 người, trong đó hơn 1/5 sống nhờ nghề nông, thế mà nay gần 4 vạn người, nghề nông không còn. 8 chiếc giếng tròn, xây gạch, thành cao, khẩu độ tới 25m, nay chỉ còn 4.

Ta như vùng sâu, vùng xa giữa lòng thủ đô?

Không phải do thời gian, mưa gió lấp đi mà con người cần nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ nên lấp đi quá khứ, lấp đi lịch sử để tạo dáng cho đô thị hóa nông thôn. Ngày lên phố, con ngõ nhỏ lát xỉ than dài ngót 2 cây số, bề rộng dưới 6m, có nơi teo tóp, ngoằn nghèo chưa đầy 4m, thành đường Hoàng Mai. Gần một phần tư thế kỷ lên phường rồi, số dân đã tăng gần 7 lần rồi mà con đường huyết mạch vẫn thế, khác chăng là phủ lên lớp nhựa mỏng, hoặc xi măng lồi lõm. Người chen người, xe chen xe, bước thấp, bước cao hẫng hụt. Vậy nên có cụ già ngoài 80 cạnh nhà tôi vấp ngã, chịu bao đau đớn mới được về với tổ tiên.

Ngày ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hứa là nếu trúng cử sẽ quan tâm đến đường sá ở đây. Nhưng rồi, ông trúng cử, ông lên Phó Chủ tịch thành phố, nay ông nghỉ hưu vẫn nợ dân Làng Mai một lời hứa trách nhiệm. Tôi về làm dân ngụ cư Làng Mai gần ba nhiệm kỳ Quốc hội, nhưng chưa thấy một lần, một đại biểu Quốc hội, một đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố về đến khu dân cư để nghe dân nói.

Người ta bảo vì nơi đây như một bảo tồn, bảo tàng lịch sử cùa Hà Nội, nghĩa là có bề dày của quá khứ anh hùng, nhưng không phải là trung tâm, trọng điểm của thành phố. Có người nói chắc chắn rằng: giá khu khu ta có ông to tận Trung ương thì chắc rằng có đường to để đi. Chỉ cần mưa to 15 phút là đường, ngõ, ngách trong phường biến thành sông, điều mà vài chục năm trước ít thấy. Vì đơn giản là hệ thống ao hồ điều hòa nước đã bị lấp đầy cho dãy ngang, dãy dọc nhà ống. Chỉ cần một đám đất lưu không cũng hôm sau mọc lên nhà cấp 4 cho thuê.

Hỏi rằng ai cho lấp ao hồ, hợp tác xã bảo do phường, phường bảo đất của hợp tác xã. Nhưng hợp tác xã chỉ là danh nghĩa. Đường hẻm, tối đèn, khó đi. Dân đề nghị với tổ, tổ báo cáo với khu dân cư, khu dân cư báo cáo lên phường xin mấy cột đèn chiếu sáng. Hơn năm trời nay mới chôn được cột, còn chờ dây. Chuyện như ở vùng sâu, vùng xa.

Dân ở đây nói không ngoa rằng: ta như vùng sâu, vùng xa giữa lòng thủ đô. Dân sống đùm bọc có nhau, sao quan lại xa thế? Vì quan liêu, vì cơ chế, hay vì chỉ nói mà không làm? Hay vì gì gì nữa. Năm trước ông đứng đầu thành phố nói câu dân cho là hay nhất trong năm, đại ý: thời buổi này làm việc gì cũng phải bôi trơn, riêng Hà Nội bôi mãi mà không trơn. Còn “xin – cho” thì còn khoảng cách, mà khoảng giữa không phải là tình đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào mà là tiền. Mặt trái thị trường cùng lợi ích nhóm đang gậm nhấm, đang làm suy kiệt những gì tốt đẹp mà bao thế hệ hằng xây đắp.

Cứ một lần băng cờ, khẩu hiệu, múa lân, sư tử cổ động cho một ngày lễ, một phong trào, mỗi lần trung tâm thủ đô lung linh sắc màu đến kỳ diệu, lại nhớ về một Hà Nội trong tôi: to, đẹp, văn hóa, gần gũi tình người và ước ao bao giờ cho hết vùng sâu, vùng xa giữa lòng Hà Nội.

Làng Mai – Hà Nội trước ngày 10 tháng 10 năm 2014./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên