Con trẻ nghỉ hè và nỗi lo của cha mẹ
VOV.VN - Nghỉ hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của trẻ nhỏ sau những tháng ngày học tập căng thẳng. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian áp lực nhất đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý chăm sóc bởi con nghỉ học, bố mẹ vẫn phải đi làm. Để có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, an toàn là điều lo lắng của không ít bậc phụ huynh.
Kỳ nghỉ hè đã trôi qua được gần 1 tháng, nhiều cháu nhỏ cảm thấy phấn khởi, vui vẻ vì đây là khoảng thời gian các em được nghỉ ngơi, thư giãn, được “ngủ nướng”, được về quê hay được đi chơi, đi du lịch cùng gia đình. Đây là cũng là thời gian lý tưởng để các em được thỏa thích nô đùa, chạy nhảy, khám phá nhiều trò chơi thú vị cùng các bạn cùng trang lứa.
Trái ngược với tâm trạng vui, phấn khởi của con, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn và lo lắng trong việc quản lý con em mình trong suốt kỳ nghỉ hè. Với những phụ huynh có con lớn, học cấp 2, cấp 3, họ lo ngại con ở nhà một mình có nhiều thời gian rảnh rỗi, dễ sa đà vào việc chơi game, dẫn đến nghiện game hoặc bị lôi kéo đi chơi với các bạn xấu. Với các phụ huynh có con nhỏ ở bậc tiểu học và mầm non, nếu để con ở nhà tự trông nhau, không có người lớn quản lý, giám sát thì rất dễ bị các tai nạn thương tích như điện giật, thương tích vì nghịch dại… Ở các vùng nông thôn thì tai nạn thương tích phổ biến nhất là đuối nước.
Có 2 con, học lớp 4 và lớp 6 đang trong kỳ nghỉ hè, chị Nguyễn Tường Vy (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, con nghỉ hè mới gần 1 tháng mà vợ chồng chị thấy bận rộn hơn rất nhiều. Trong năm học cả 2 bé đều ăn bán trú tại trường nên anh chị sáng đi làm, chiều mới về nhà. Nhưng từ khi con nghỉ hè đến nay, các buổi trưa, vợ chồng chị thay nhau về nhà chuẩn bị bữa ăn trưa cho con.
“Do các cháu còn nhỏ, chưa biết chăm sóc bữa ăn đầy đủ cho mình nên chúng tôi phải thay phiên nhau về nhà buổi trưa với các con. Để 2 con ở nhà với nhau cả ngày cũng là “mạo hiểm” nhưng không có cách nào khác, ngày nào có thể nghỉ thì tôi xin nghỉ ở nhà với con”, chị Vy nói.
Có cùng nỗi lo lắng như chị Vy, chị Đào Hồng Hạnh (Nghĩa Tân - Cầu Giấy) cho hay: “Mọi năm chị thường gửi con cả 2 tháng hè về nhà ông bà nội hoặc ngoại, nhưng năm nay ông bà đã già yếu nên tôi chỉ đưa con về chơi với ông bà khoảng 1 tuần thôi. Mặc dù ông bà rất thích các cháu về chơi nhưng tôi lo rằng, các cháu đang trong độ tuổi hiếu động, ở quê lại gần ao, hồ nhiều, nhỡ ra các cháu nghịch ngợm, sơ sẩy dẫn đến đuối nước thì nguy”.
Với những lo lắng như vậy, các buổi trưa chị đều tranh thủ về nhà ăn trưa cùng các con. Hôm nào bận công việc cả ngày thì chị chuẩn bị đồ ăn cho con từ sáng và nhờ hàng xóm qua trông coi con giúp.
Do bận rộn, không thể chăm con cả ngày, có gia đình đành khóa cửa cho con ở nhà, lắp camera, thỉnh thoảng soi xem con làm gì để nhắc nhở. Điều mà nhiều ông bố, bà mẹ lo nhất là sợ con rủ nhau ra ngoài đi chơi với bạn, không đảm bảo an toàn.
Để con không sa đà vào việc chơi game, xem tivi, điện thoại quá quá nhiều, không ít cha mẹ đã chọn giải pháp cho con tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi trong dịp hè như bơi lội, học hát, học đàn, học nhảy, học kỹ năng sống, học văn, toán, ngoại ngữ… theo sở thích của các em. Có gia đình khá giả hơn thì cho con tham gia các khóa trại hè trong nước hoặc quốc tế, thời gian kéo dài từ 10-20 ngày, chi phí từ 30-50 triệu/suất. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình tham gia các sân chơi như vậy.
Để ngày hè an toàn và ý nghĩa với con trẻ
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để con trẻ có những ngày hè thực sự an toàn và ý nghĩa, các bậc phụ huynh cần có biện pháp quản lý con em mình, tránh để sa đà vào các tệ nạn xã hội, những trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như sự phát triển tâm hồn và trí tuệ của trẻ. Đồng thời, giảm nguy cơ thương tích từ những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bởi ngoài đuối nước, trẻ còn có nguy cơ đối mặt với các tai nạn rủi ro tại nhà như: bỏng, điện giật, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, ngã do chạy nhảy... Các em chưa đủ kỹ năng để có thể xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc và thương tâm.
Ths. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) chia sẻ, trẻ em được nghỉ hè, làm gì trong thời gian này luôn là việc mà các bậc cha mẹ phải đau đầu hoặc mất nhiều thời gian suy nghĩ, lập kế hoạch để tạo nên một mùa hè bổ ích, an toàn cho con. Nhiều gia đình luôn gặp khó khăn trong việc quản lý con cái vì con nghỉ nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, không thể ở nhà được. Mùa hè và kỳ nghỉ hè năm nào cũng có, là cha mẹ, phải luôn có trách nhiệm và có kế hoạch từ sớm để dành thời gian cho con trong mùa hè.
“Tôi luôn tâm niệm, thời gian chính là món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể dành cho con. Vào mùa hè, con ở nhà và có nhiều thời gian với gia đình thì đây là khoảng thời gian con cần được ưu tiên và cần được cha mẹ sắp xếp, phân công lập kế hoạch để được ở bên con nhiều hơn, đó cũng là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình”, bà Nguyễn Phương Linh nói.
Để mùa hè của con thực sự an toàn, và bổ ích, bà Linh gợi ý, cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể thực hiện một số hoạt động như: Quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thể dục thể thao ngoài trời và trong nhà cho trẻ. Trẻ em rất cần vận động và hít thở không khí ngoài trời để phát triển thể chất, tinh thần; Cùng con xây dựng nề nếp và kế hoạch sinh hoạt, vui chơi trong dịp hè. Bố mẹ hãy nói chuyện với con và nghĩ về các sáng kiến, các hoạt động mà con có thể làm trong dịp hè, ví dụ, đọc sách, vẽ tranh, làm một số việc nhà theo độ tuổi, chơi các trò chơi trí tuệ…
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cùng con lập một số dự án hay thử thách để con tìm hiểu và thực hiện trong dịp hè. Tuổi nhỏ, các con có thể tìm hiểu và quan sát về sự phát triển của cây xanh, cách phân loại và sắp xếp quần áo, đồ chơi của con trong nhà, các đồ vật an toàn và không an toàn. Lớn hơn, các con có thể cùng bố mẹ thực hiện nghiên cứu phân tích về các rủi ro, tai nạn thương tích, các rủi ro trên môi trường mạng, phòng tránh xâm hại trẻ em... để cả nhà cùng thảo luận. Cha mẹ hãy dành thời gian buổi tối sum vầy để cùng con xem lại các việc con đã làm và chơi trong ngày, cùng chơi những trò chơi gắn kết, trò chuyện với con để hiểu con hơn.
Bà Nguyễn Phương Linh đưa ra lời khuyên, dịp hè cũng là dịp ôn lại kiến thức và chuẩn bị cho năm học mới, cha mẹ nên giúp con tìm hiểu thêm những chủ đề mà con quan tâm hay học 1-2 kiến thức, kỹ năng mới để bảo vệ bản thân. Ở độ tuổi mầm non và tiểu học rất dễ gặp các tai nạn thương tích trong mùa hè như đuối nước, giật điện, té ngã…, do đó luôn cần có người lớn trông coi, chăm sóc để đảm bảo an toàn và kịp thời xử lý khi có các tình huống bất thường, nguy hiểm xảy ra.
Để hỗ trợ trẻ em có một mùa hè an toàn bổ ích, địa phương cũng có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, trại hè mang lại các thời gian học tập, giải trí bổ ích cho trẻ nhỏ. Dù không phải tới trường, các thầy cô cũng có thể gửi các hướng dẫn, bài tập cho cha mẹ và học sinh để nhắc nhở đảm bảo an toàn cho con em, và dành thời gian tương tác gia đình, ôn tập kiến thức và vui chơi lành mạnh. Đồng thời, cha mẹ hãy làm bạn cùng con, lắng nghe con, chia sẻ tình thương yêu cùng con, trải nghiệm mọi thú vị cuộc sống cùng con nhiều hơn nữa. Hãy cố gắng cho các con một mùa hè tận hưởng đúng nghĩa để sau mỗi kỳ nghỉ như vậy con có nhiều kỷ niệm đẹp để lớn lên và theo mình suốt cuộc đời.