Công cụ pháp lý - “nỏ thần” của Việt Nam khi kiện Trung Quốc

VOV.VN -Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982.

Những ngày qua, việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã bị dư luận trong nước cũng như quốc tế phản đối mạnh mẽ. Để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đưa một số lượng lớn tàu và máy bay cản phá tàu chấp pháp của Việt Nam. Trung Quốc còn có những luận điệu xuyên tạc, biện hộ cho hành động sai trái này.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tới 80 hải lý và cách đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi 120 hải lý một lần nữa khẳng định chính sách của Trung Quốc là luôn muốn “nuốt trọn” biển Đông.

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng đầy hung hãn vào tàu chấp pháp của Việt Nam (nguồn ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam)

Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Từ khi hạ đặt giàn khoan đến nay, lượng tàu Trung Quốc đưa ra bảo vệ giàn khoan tăng theo từng ngày. Đến thời điểm này, Trung Quốc đã đưa ra gần 130 tàu, trong đó có cả tàu chiến và tàu quân sự với thái độ hung hăng, cản phá lực lượng chấp pháp của Việt Nam.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cùng với thái độ hung hăng cản phá lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam rõ ràng vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Theo đó, Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Theo TS. Nguyễn Thị Thuận, khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, Trung Quốc luôn thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những mưu đồ chủ quyền. Tuy nhiên, những bằng chứng họ đưa ra hoàn toàn là ngụy tạo. Một trong những luận điểm, mà Trung Quốc thường dùng để biện minh cho hoạt động bất hợp pháp của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 gửi Thủ tướng Trung

Xem thêm: Công thư 1958 không công nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.

Trung Quốc đã dùng mọi thủ thuật để suy diễn rằng, Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (mà Trung quốc gọi là Nam Sa).

TS. Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng khoa Công pháp quốc tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có thể kiện hành động của Trung Quốc ra Tòa án công lý quốc tế và Tòa án luật biển quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn vì khả năng Trung Quốc từ chối thẩm quyền của tòa là rất cao.

Từ trước đến nay, Trung Quốc có quan điểm chỉ giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, đàm phán trực tiếp. Vì vậy, trong trường hợp Việt Nam khởi kiện thì có thể khởi kiện theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 thuộc chủ quyền của mình.

PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế nhận định, tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam là không bao giờ dừng lại. Về cách thức đối phó với hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, cũng như âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến cho rằng: Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý với những chứng cứ và lập luận sắc bén. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho chủ quyền của mình.

PGS. TS Nguyễn Bá Diến cho biết: “Một trong những “nỏ thần” của Việt Nam là công cụ pháp lý. Đối thoại, đối phó và ngăn chặn âm mưu của người láng giềng này cần có đối sách đầy trí tuệ, bản lĩnh về pháp lý. Khởi kiện Trung Quốc tại toà án quốc tế là một đòn mạnh về chính trị, rất khó nhưng không phải không làm được. Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc hầu như không có căn cứ pháp lý nào về yêu sách của họ trên Biển Đông và đó là sức mạnh của chúng ta. Chúng ta có bằng chứng lịch sử, pháp lý rất đồ sộ. Đấy là niềm tin vững chắc của chúng ta”.

Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, hạn chế tối đa tranh chấp, đặc biệt đối với Trung Quốc - đất nước nước láng giềng có truyền thống hữu nghị. Tuy nhiên, với luận điệu sai trái, vu khống thiếu hòa khí từ nước bạn, Việt Nam sẵn sàng nhờ đến luật pháp quốc tế để phân minh. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, giữ vững chủ quyền, hòa bình cho đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên