CSGT không có quyền “ách” xe lại kiểm tra nguồn gốc
(VOV) -Cơ quan chức năng phải xem xét lại và đề nghị với Chính phủ để sửa đổi, loại nội dung này ra khỏi Nghị định 71.
Nghị định 71 qui định: “Phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe máy vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định; Phạt từ 8-10 triệu đối với chủ xe ô tô vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định”. Đây là nội dung đang gây nhiều tranh cãi và khiến nhiều người từng mua và đang sử dụng xe mô tô, xe máy, ô tô đã qua sử dụng lo lắng.
Xung quanh nội dung này, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội.
PV: Thưa ông, hiện tại nhiều người lo lắng sẽ bị phạt khi tham gia giao thông vì đã không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định của Nghị định 71. Là chuyên gia luật, ông có suy nghĩ gì về điều này?
Ông Đinh Xuân Thảo: Nghị định 71 là văn bản qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nội hàm của nó phải là những hành vi vi phạm giao thông của những người tham gia giao thông. Người thực thi là cảnh sát giao thông căn cứ vào qui định đóđể phạt. Có thể khẳng định Nghị định 71 ban hành vào thời điểm này là đúng lúc, phù hợp. Bởi lẽ, nó đảm bảo cập nhật theo qui định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật mà trong đó việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điều chỉnh thì chế tài áp dụng theo xu hướng nghiêm khắc, nặng hơn, cao hơn, đảm bảo việc tuân thủ, chấp hành nghiêm túc, nghiêm minh luật pháp trong từng lĩnh vực. Đấy là cái đúng. Các điều khoản qui định khác là phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội đã thông qua.
PV: Vậy điểm bất hợp lý của Nghị định này là gì, thưa ông?
Ông Đinh Xuân Thảo: Qui định tại điểm 8 về sửa đổi Điều 33, tại khoản 3 và điểm e về phạt đối với chủ xe máy và tại khoản 8 điểm c về xử phạt đối với chủ phương tiện thì phạm vi điều chỉnh của hai khoản mục này là không phù hợp. Vì, hai qui định này liên quan đến sở hữu tài sản. Chế định về sở hữu tài sản lại được qui định trong Bộ luật dân sự. Thứ nữa là quyền sở hữu đó liên quan đến việc chuyển đổi, giao dịch về dân sự (mua bán, tặng, cho… tài sản). Đối với tài sản khi giao dịch, mua bán phải đóng phí và lệ phí, thuế thì thực hiện theo luật và các văn bản pháp luật về phí và lệ phí. Nội dung này không phải là hành vi vi phạm giao thông của người tham gia giao thông.
PV: Có nghĩa là qui định này đã “đặt nhầm chỗ” thưa ông?
Ông Đinh Xuân Thảo: Tôi đã nghiên cứu rất kỹ qui định của Nghị định 71. Nội dung qui định tại hai điều khoản đó là không đúng đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh phải phù hợp vì qui định của Nghị định này để lực lượng cảnh sát giao thông, những người kiểm soát an toàn giao thông trên đường bộ áp dụng, kiểm soát vi phạm đối với những người tham gia giao thông. Trong này, nội dung qui định là đúng nhưng đặt không đúng chỗ. Qui định trong này là phạt đối với chủ xe máy, ô tô chứ không thể phạt đối với người sử dụng phương tiện đó. Chủ xe - theo Luật Dân sự qui định phải là chủ tài sản, phương tiện đó, phải là đích thực. Là chủ thì có đủ 3 quyền: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Còn kể cả người đi mượn, người được ủy quyền thì cũng không phải chủ xe. Chủ xe không phải lúc nào cũng gắn liền với chiếc xe. Chiếc xe chỉ là phương tiện giao thông lưu thông trên đường do những người không phải chủ xe, thân nhân gia đình, bạn bè… mượn xe để đi.
PV: Nhưng cảnh sát có thể “”tuýt” bất cứ ai đang tham gia giao thông để kiểm tra giấy tờ, thưa ông?
Ông Đinh Xuân Thảo: Cảnh sát giao thông không có quyền bắt một người dân đi trên đường khi họ không có vi phạm gì để phải chứng minh cho được nguồn gốc phương tiện đó ở đâu.
Đối với những người sử dụng phương tiện giao thông mà vi phạm thì cảnh sát giao thông có quyền xác minh kiểm tra giấy tờ đối với phương tiện đó và xem nguồn gốc đó gắn với người sử dụng như thế nào. Có thể người chủ phương tiện lại trao phương tiện của mình cho một người không được phép sử dụng. Ví dụ, anh có xe ô tô nhưng lại giao cho người không có bằng lái xe ô tô điều khiển. Ở đây là qui trách nhiệm của chủ xe nhưng trong trường hợp đó là có vi phạm xảy ra thì người thi hành công vụ mới có quyền yêu cầu người sử dụng phương tiện có nghĩa vụ, trách nhiệm phải chứng minh.
Bình thường mà người tham gia giao thông không vi phạm thì người thi hành công vụ không có quyền ách xe lại, chất vấn, kiểm tra nguồn gốc của các phương tiện đó là ở đâu. Điều này phải làm cho rõ ràng, minh bạch và sử dụng thẩm quyền của cơ quan công quyền của cán bộ thi hành công vụ ở đâu và đối với người dân trách nhiệm của họ thế nào. Không phải là anh thực hiện một cách tùy tiện, muốn kiểm tra ai thì kiểm tra. Anh kiểm tra bằng lái thì có thể được nhưng việc bắt chứng minh nguồn gốc xe ở đâu mà có thì không được.
PV: Điều này có nghĩa, nội dung của qui định này không phải áp dụng với người tham gia giao thông và không áp dụng với hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ?
Ông Đinh Xuân Thảo: Qui định về việc đi xe phải sang tên, đổi chủ, phải chính chủ là qui định thuộc sở hữu (qui định trong Bộ luật dân sự). Nội dung phạt đối với chủ sở hữu tài sản không phải là đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ. Cho nên, nội dung này không được qui định trong Nghị định 71. Cơ quan tham mưu trình Nghị định này (Bộ Giao thông – Vận tải) trình Chính phủ ban hành phải xem xét lại và đề nghị với Chính phủ để sửa đổi. Đề nghị loại nội dung này ra khỏi Nghị định 71. Qui định này là cần thiết vì phục vụ cho việc quản lý Nhà nước đối với phương tiện, đảm bảo an toàn tài sản, bảo vệ chủ sở hữu tài sản đó. Kèm theo đó, có việc đóng phí, lệ phí và cơ quan chức năng phải làm việc này.
PV: Vậy để hạn chế tình trạng mua bán xe máy, ô tô nhưng lại không sang tên, đổi chủ, gây thất thoát thuế, phí và khó khăn cho việc quản lý thì phải làm thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Xuân Thảo: Chúng ta phải rà soát lại các qui định khác (Luật dân sự, Luật phí và lệ phí). Mức thuế chước bạ, phí, lệ phí để làm thủ tục sang tên, đổi chủ phải ở mức hợp lý. Qui định hiện nay, đối với xe ô tô là 10% và xe máy là 2% là quá cao. Mục đích của việc sang tên đổi chủ là quản lý hành chính chứ không phải là nguồn thu cho ngân sách. Đây không phải là lĩnh vực kinh doanh hay tiêu thụ đặc biệt. Nếu là lĩnh vực kinh doanh, tiêu thụ đặc biệt thì Nhà nước dùng thuế để điều tiết lưu thông. Nhưng đây là giao dịch bình thường, phổ biến trong đời sống nhân dân cho nên cũng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện giao dịch đó. Hay nói cách khác là để Nhà nước thực hiện được việc quản lý hành chính chứ không phải để tăng thu.
PV: Xin cảm ơn ông!