Cuộc sống mới của người dân làng Đăk Răng bên đường Hồ Chí Minh
VOV.VN - Từ khi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên đã phá thế độc đạo, tạo điều kiện rất nhiều cho bà con trong việc phát triển kinh tế, xã hội...
Đầu những năm 2000, tuyến đường Hồ Chí Minh của thời kỳ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước có tổng chiều dài 155 km đoạn qua tỉnh Kon Tum bắt đầu được đầu tư xây dựng.
Tuyến đường hoàn thành giúp địa phương phá thế ngõ cụt và làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở hàng trăm thôn làng sinh sống hai bên tuyến đường này.
Làng Đăk Răng ven đường Hồ Chí Minh. |
Ngày mới của trên 120 hộ dân tộc Giẻ- Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum thường bắt đầu từ 2 giờ 30 sáng. Công việc khai thác mủ cao su, vốn đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian đã rèn luyện cho những lao động trong làng ý thức kỷ luật rất cao.
Anh A Héo, một người dân làng Đăk Răng cho biết, dân làng bắt đầu trồng nhiều cây cao su từ năm 2003, khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua làng được Nhà nước đầu tư xây dựng. Đến nay hộ dân nào cũng có từ 5 sào đến hơn 2 ha cao su.
Ngoài ra mỗi hộ còn nhận khoán khai thác mủ từ 1 đến 3 ha của Nông trường cao su Dục Nông. Dù giá mủ cao su hiện giảm sâu, song tổng thu nhập của một lao động trong tháng cũng được khoảng 4 triệu đồng. Theo anh A Héo, giao thông thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất phát triển.
“Các hộ trong thôn hăng hái lao động sản xuất. Riêng về cao su bà con trong thôn được đào tạo bài bản về khai thác mủ cao su. Ngoài ra các hộ cũng hăng hái trồng cây cà phê càng ngày càng nhiều diện tích, càng mở rộng hơn. Cây lúa ruộng bà con tìm tòi cách để lúa có năng suất hơn”, A Héo cho biết.
Múa xoang trong Ngày hội Đại đoàn kết ở làng Đăk Răng. |
Giờ đây nhìn hệ thống đường bê tông nông thôn vững chắc kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh ngang qua ngay trước cổng làng Đăk Răng, không ai nghĩ người dân ở đây đã từng phải chịu cảnh giao thông cách trở.
Trước thời điểm năm 2003 khi đường Hồ Chí Minh chưa được đầu tư xây dựng, dù làng Đăk Răng chỉ cách trung tâm huyện Ngọc Hồi hơn 16km song người dân phải đi mất gần một buổi do đường chỉ có thể đi bộ.
Nông sản làm ra tư thương mua với giá rẻ mạt bởi lý do vận chuyển khó khăn. Già làng A Brol Vẽ nhớ lại, cuộc sống của dân làng Đăk Răng lúc chưa có đường khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
“Trước đây mình đi thì rất là khó khăn. Đi cái đường mòn mình đi leo rừng, leo núi không có đường đi. Đi qua, đi lại khó khăn ghê gớm rồi là đói rách cũng nhiều. Đau ốm đường xá như thế rồi thuốc men cũng không có. Khiêng nhau cõng nhau mới đến Trạm xá. Một số người không ai cõng không đi được. Giờ là thuận lợi ghê gớm. Đường xá, cầu cống, điện rất là thuận lợi, phấn khởi”, già làng A Brol Vẽ kể.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum. |
Nhờ có tuyến đường Hồ Chí Minh phá thế ngõ cụt nối thông hai đầu. Ngược về phía Bắc ra tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng. Xuôi xuống phía Nam về trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, làng Đăk Răng cũng như hàng trăm làng đồng bào dân tộc thiểu số khác sinh sống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum có cơ hội để đột phá phát triển. Cùng với đó hệ thống giao thông nông thôn ra khu sản xuất hầu hết đã được bê tông hóa rất thuận tiện cho lao động sản xuất và vận chuyển nông sản của bà con.
Ở làng Đăk Răng bây giờ việc nông sản làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó đã khuyến khích người dân thi đua lao động sản xuất. Trong làng nhiều hộ, như gia đình anh Siêng Lăng Lộ, A Lan, Siêng Lăng Líu…có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây cao su, cà phê, bời lời, mì.
Cả làng chỉ còn 5 hộ thuộc diện nghèo do ốm đau, già yếu neo đơn. Điều đặc biệt ở Đăk Răng là 22 đảng viên của Chi bộ và 35 đoàn viên của Chi đoàn đều có cuộc sống từ trung bình khá trở lên so với các hộ dân khác trong làng.
“Tất cả đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng về công tác xã hội. Theo nhìn nhận của tôi về thôn thì đời sống của bà con nhân dân phát triển rất mạnh. Kinh tế, xã hội phát triển đi đôi với nhau”, chị Y Um Trúc, Bí thư Chi bộ làng Đăk Răng cho biết.
Kinh tế phát triển, cuộc sống ấm no, người dân làng Đăk Răng có điều kiện quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến đời sống văn hóa tinh thần. Cùng với những thiết bị nghe nhìn hiện đại nhà nào cũng có, dân làng bảo nhau cùng gìn giữ truyền thống văn hóa ông bà tổ tiên để lại. Nhà rông, đội cồng chiêng, múa xoang, hệ thống lễ hội của người Giẻ- Triêng…được người dân trân trọng giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tiếng lành bay xa, Đăk Răng giờ thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến Kon Tum muốn tìm hiểu văn hóa của người Giẻ- Triêng.
Ông Hiêng Năng Thuận, Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi vui mừng cho biết, đường Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đi qua địa bàn xã đã giúp người dân 11thôn làng của xã đổi đời.
“Từ khi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên trong đó đi qua xã Đăk Dục tạo điều kiện rất nhiều cho bà con nhân dân trong việc phát triển kinh tế, xã hội cũng như là an ninh quốc phòng. Có tuyến đường này bà con nhân dân trao đổi hàng hóa rất thuận lợi. Các thương lái vào tận các ngõ ngách của thôn làng trao đổi hàng hóa được. Từ đó nâng cao được đời sống của bà con nhân dân hơn”, ông Hiêng Năng Thuận cho biết.
Đường Hồ Chí Minh- Quốc lộ 14 của thời kỳ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước đoạn qua Tây Nguyên có tổng chiều dài 663km. Riêng đoạn qua tỉnh Kon Tum có chiều dài 155 km, trong đó một số đoạn qua địa bàn huyện Đăk Glei và Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng trùng với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa.
Với tiêu chuẩn đường cấp III hai làn xe, tuyến đường này đã giúp tỉnh Kon Tum phá thế ngõ cụt, kết nối thuận lợi với các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Tuyến đường cũng là động lực, là điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống ở hàng trăm thôn làng hai bên đường có cơ hội thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu./.
Kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh: “Huyền thoại một con đường”
Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình: “Đường đua” của xe ben
Phát hiện xe ôtô chở đầy hàng lậu từ vụ tai nạn trên đường Hồ Chí Minh