Đà Nẵng tập trung đầu tư, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu
VOV.VN - Nghề dệt thổ cẩm là một trong những thành tố góp phần hình thành không gian văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án, có chính sách đầu tư, hỗ trợ các địa phương bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm Cơ Tu.
Hàng ngày, tại Moong của gia đình chị Đinh Thị Tin ở thôn Giàn Bí luôn rôm rả tiếng cười nói của các chị em Tổ dệt thổ cẩm Cơ Tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đôi bàn tay thoăn thoắt lướt trên khung dệt, chị Nguyễn Thị Nga, thành viên tổ dệt vừa giới thiệu quy trình dệt thổ cẩm Cơ Tu với khách du lịch.
Chị Nga tâm sự, tiếng là sinh ra và lớn lên ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cái nôi của dệt thổ cẩm Cơ Tu nhưng thuở bé, chị chỉ xem các bà, các mẹ dệt vải mà chưa một lần chạm tay vào khung cửi. Mãi đến khi về làm dâu ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, được mọi người giới thiệu về dệt thổ cẩm, chị mới tìm hiểu và đam mê từ đó. Năm 2018, nghe tin huyện Hòa Vang mở lớp dạy dệt thổ cẩm, chị Nga liền đăng ký học ngay. Thời gian đầu, 40 chị em ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí ai cũng háo hức đến lớp. Nhưng dần dần mọi người bỏ giữa chừng, riêng chị Nga, càng học chị lại càng yêu thích nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
“Tôi thích dệt thổ cẩm từ rất lâu rồi. Mặc dù thời gian đi làm, kiếm cơm chiếm hết thời gian nhưng tôi hay tranh thủ dệt vào ban đêm hoặc ngày mưa không đi rẫy được. Với người Cơ Tu mình, nhu cầu sử dụng thổ cẩm thì nhiều nhưng dệt thủ công như thế này thì tốn rất nhiều thời gian. Như tấm tôi đang dệt đây, phải mất cả tháng trời mới xong, bán ra cũng hơn 1 triệu, đôi khi người mua còn bảo đắt. Nên mình dệt chỉ là nghề phụ thôi, chỉ tranh thủ lúc rảnh mới làm”, chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Cũng như chị Nga ở thôn Giàn Bí, chị Đinh Thị Tin, Tổ trưởng tổ Dệt thổ cẩm Cơ Tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang rất đam mê và luôn đau đáu với nghề truyền thống của người Cơ Tu. Chị Tin cho biết, hiện nay, nhiều thanh niên địa phương bỏ làng xuống phố làm công nhân các khu công nghiệp và cũng không mấy bạn mặn mà với dệt thổ cẩm. Nhìn Tổ dệt 40 thành viên giờ giảm hơn một nửa chị Tin không khỏi chạnh lòng. Chị mong muốn, chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích, thu hút lớp trẻ đến với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm, giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
“Tổ dệt từ 40 người đăng ký tham gia, nay còn 20 người. Chúng tôi cũng không tập trung ở Gươl để dệt như trước đây nữa. Bà con Cơ Tu ở đây cũng muốn bảo tồn nghề truyền thống của mình nên chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi mới ngồi dệt tại nhà tôi hoặc tại nhà của các chị. Bởi, ai cũng phải chăm lo cuộc sống, dệt chỉ là phụ thôi. Như bản thân tôi, sức khỏe yếu không làm được việc nặng. Ở nhà chỉ loanh quanh bên khung dệt, lúc thì căng chỉ, lúc thì ngồi dệt. Chỉ mong du lịch ở Hòa Bắc phát triển mạnh, khách du lịch tới nhiều thì mình có thể bán được nhiều sản phẩm được làm từ thổ cẩm”, chị Đinh Thị Tin chia sẻ.
Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang hiện có 16 điểm du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút khoảng 30 ngàn lượt du khách. Du lịch cộng đồng khởi sắc trong thời gian qua đã tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, trong đó, có chị em Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hòa Bắc. Ông A Lăng Như, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ khi Tổ hợp tác đi vào hoạt động vừa tạo sinh kế cho bà con, vừa góp phần quảng bá, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
“Bà con tham gia du lịch sẽ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, có việc làm, có cuộc sống ổn định bà con không còn tác động vào rừng” , ông Như cho biết như vậy.
Thời gian gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc ngày càng được nhiều du khách gần xa biết đến. Đây là cơ hội để đồng bào Cơ Tu giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm vào trình diễn, phục vụ du lịch. Qua đó, bà con vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, vừa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, gần đây UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách, đề án hỗ trợ đồng bào Cơ Tu trên địa bàn giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó, có nghề dệt thổ cẩm. Năm 2018, huyện Hòa Vang, nơi tập trung đồng bào Cơ Tu sinh sống ở thành phố Đà Nẵng đã tổ chức mở lớp và mời nghệ nhân dệt của huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đến truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ. Thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hoá đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030”. Theo đề án này, thành phố có các chính sách như: hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá và truyền thông về giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hoá và người có uy tín trong cộng đồng; mở rộng giao lưu văn hoá; chính sách bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hoá truyền thống...
Theo ông Nguyễn Thanh Tân, các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu ở thành phố Đà Nẵng từng bước được khôi phục gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ông Tân cho rằng: “Việc bà con quay lại mặc đồ truyền thống biểu diễn nghệ thuật, dệt vải, đan lát và điêu khắc… làm những nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình để phục vụ nhu cầu du lịch. Chúng tôi cho rằng, đây là cách có thể giúp bảo tồn văn hóa hiệu quả”.
Những Đề án, chính sách đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống của chính quyền thành phố Đà Nẵng được thực thi. Nỗ lực chung tay của các địa phương, ngành chức năng và cả người dân bản địa, văn hóa truyền thống, trong đó, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang được kỳ vọng sớm hồi sinh, phát triển.