Đắk Lắk thiếu gần 1.000 giáo viên và cán bộ quản lý ở bậc mầm non
VOV.VN - Theo Thông tư 06/2015 của liên Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đang thiếu gần 1.000 giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non.
Điều đáng nói là tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở một vài trường mà xảy ra ở hầu khắp các trường trong toàn tỉnh.
Một trường mầm non tại Đắk Lắk. |
Năm học 2018-2019, trường Mẫu giáo Họa Mi, ở Buôn Ja, xã Bông Drang, huyện Lăk được Ủy ban nhân dân huyện đầu tư 2 tỷ đồng để xây mới thêm 4 phòng học, tăng số phòng học tại điểm trường chính lên 9 phòng, giảm bớt được 1 điểm trường lẻ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi khi học sinh không phải học ghép. Cơ sở vật chất đảm bảo, tuy nhiên khó khăn nhất đối với nhà trường hiện nay là thiếu giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, nhà trường có 376 học sinh ở 3 khối lớp mầm, chồi, lá, tăng 50 em so với năm học trước.
Theo thông tư liên tịch 06/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (gọi tắt là thông tư 06) quy định đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ ngày bố trí tối đa là 2,2 giáo viên/lớp thì trường thiếu đến 12 giáo viên.
“Theo quy định thông tư 06, nhà trường mới chỉ có 14 giáo viên/12 lớp, tức là nhà trường vẫn thiếu tới 12 giáo viên. Đã bước vào năm học mới rồi nhưng nhà trường vẫn chưa có chủ trương cho hợp đồng của cấp trên. Tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến cho nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi giáo viên ốm đau hay có công việc đột xuất thì nhà trường không có người để bố trí dạy thay. Đôi lúc ban giám hiệu phải thay nhau xuống dạy. Một có đứng lớp cả ngày không có giờ nghỉ”, cô Nguyễn Thị Thu Nga nói.
Theo Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Lăk, nếu thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 06 thì năm học mới này, riêng bậc mầm non ở địa phương thiếu khoảng 61 giáo viên. Thông tư 06 quy định “Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày: bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp; Đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày: bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp”.
Điều khó khăn là Bộ Nội vụ đưa ra quy định như vậy nhưng lại không cho cơ chế tuyển thêm giáo viên. Trong khi đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu theo chế độ và xin thuyên chuyển khá nhiều, dẫn đến đến thiếu hụt giáo viên trầm trọng.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Lăk cho biết để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tạm thời, đơn vị đã kiến nghị UBND huyện ký hợp đồng có thời hạn để phục vụ giảng dạy trong năm học mới.
“Đội ngũ giáo viên mầm non biên chế theo thông tư 06, 1 lớp học phải 2,2 giáo viên/ lớp nhưng ở huyện Lăk thì chỉ mới được 1,5 giáo viên/lớp. Lý do thiếu là không có biên chế. Vừa rồi Ủy ban nhân dân huyện đã làm việc với Sở Nội vụ nhưng được trả lời vấn đề này thuộc Bộ Nội vụ phân biên chế về cho tỉnh. Cho nên bây giờ để có hướng khắc phục huyện đề nghị có chính sách đặc thù riêng để ngành giáo dục mầm non có bước tháo gỡ đảm bảo số giáo viên trên lớp, phục vụ tốt công tác giảng dạy”, ông Thịnh cho hay.
Theo tiêu chuẩn quy định tại thông tư 06/2015 của liên Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục – Đào tạo, thì hầu hết các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đều thiếu giáo viên mầm non, với tổng số gần 900 giáo viên, nhiều nhất là huyện Ea Kar thiếu hơn 200 giáo viên.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho rằng, tình trạng này đã xảy ra từ những năm học trước, Sở cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.
“Về phía ngành, chúng tôi cũng tích cực tham mưu, bởi giáo dục có đặc thù, có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên mà hiện nay cứ thực hiện theo tinh giảm biên chế, lộ trình từ 2016 -2021 là phải giảm 10%. Nhưng giáo dục lại khó là có những năm học sinh tăng lên, có những vùng học sinh tăng lên. Đối với tỉnh Đăk Lăk là một trong những tỉnh hàng năm dân số tăng lên trong đó có một bộ phận dân di cư ngoài kế hoạch đến Đăk Lăk và như vậy đúng ra phải tăng biên chế giáo viên lên để đáp ứng nhu cầu học tập của các em nhưng hiện nay vẫn phải thực hiện tinh giảm biên chế theo tỷ lệ đó thì rõ ràng nó có nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục đào tạo của tỉnh”, ông Khoa nói.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, các huyện, thành phố ở tỉnh này hiện thiếu gần 1.400 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên bậc mầm non. Các trường đều mong muốn tỉnh sớm có chủ trương về tuyển dụng giáo viên phù hợp với yêu cầu thực tế để thực hiện tốt công tác giảng dạy./.
Cà Mau cho phép ký hợp đồng lại với hàng trăm giáo viên mầm non
Nhiều bức xúc trong công tác điều chuyển giáo viên ở Gia Lai