Dân vùng tái định cư thủy điện A Lưới bấp bênh nơi ở mới
VOV.VN -Trong 7 năm qua, cuộc sống của bà con tái định cư thủy điện A Lưới vẫn bấp bênh tại nơi ở mới, do đất đai bạc màu không thể sản xuất, nhà cửa xuống cấp.
Công trình thủy điện A Lưới được khởi công xây dựng trên sông A Sáp, huyện Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế từ tháng 6/2007. Để nhường đất cho công trình thuỷ điện này, hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô… thuộc 3 xã Sơn Thủy, Hồng Thái và Hồng Thượng phải di dời đến nơi ở mới ở tại khu tái định cư ở thôn A Đên và A Sáp, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới.
Tuy nhiên, 7 năm qua, cuộc sống của bà con vẫn bấp bênh tại nơi ở mới, do đất đai bạc màu không thể sản xuất, nhà cửa nứt nẻ, xuống cấp.
Nhà ở và các công trình cộng đồng ở khu tái định cư ở thủy điện A Lưới bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Hơn 7 năm trước, gia đình bà Hồ Thị Nguyệt dọn đến khu tái định cư ở thôn A Sáp, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới. Khi đến khu tái định cư này, gia đình bà Nguyệt được bố trí 1.800 m2 đất vườn, 3 sào ruộng. Nhưng do phần lớn đất sản xuất ở đây bạc màu, sỏi đá không thể canh tác khiến cuộc sống của gia đình bà gặp nhiều khó khăn.
Bà Hồ Thị Nguyệt cho hay, đất trồng lúa cấp cho gia đình bà phải bỏ hoang đã nhiều năm qua: “Lên trên này, cuộc sống khó khăn do đất sản xuất xấu. Lên trên ni họ cấp 3 sào ruộng nhưng không có vụ mô làm được ruộng. Nguyên nhân ruộng toàn đá sỏi và không có nước để sản xuất”.
Dự án thủy điện A Lưới được xây dựng trên dòng sông A Sáp, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ảnh hưởng gần 2.000 ha đất rừng, gần 1.400 hộ dân ở A Lưới ảnh hưởng sinh kế. Trong đó, hơn 200 hộ dân nằm trong lòng hồ phải di dời, hơn 100 hộ được đưa về khu tái định cư ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới; 100 hộ dân khác tự tìm nơi ở mới. Khi chuyển đến khu tái định cư, các hộ dân được bố trí 25 ha đất ruộng.
Tuy nhiên, đến nay, hơn một nửa diện tích đất canh tác cấp cho người dân vẫn chưa sử dụng được. Đã vậy, đất sản xuất nông nghiệp thường xuyên thiếu nước do hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Sản xuất bấp bênh, cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng tái định cư rất khó khăn do đường sá đi lại hư hỏng nhiều. Hầu hết, các căn nhà ở khu tái định cư bị nứt nẻ, xuống cấp.
Đất ruộng ở khu tái đinh cư thủy điện A Lưới toàn sỏi đá.
|
Bà Hồ Thị Năng, ở khu tái định cư thủy điện A Lưới cho hay, nhà cửa do chủ đầu tư dự án thủy điện xây dựng thiếu sự giám sát của người dân nên không đảm bảo chất lượng:
“Bữa đầu khi mình lên thì thấy nứt rồi. Họ nói lên đây đã rồi họ xem lại tình hình nếu nhà cửa nứt nhiều thì họ sẽ chịu trách nhiệm nhưng giờ chừ nhà cửa cũng như rứa, của đóng không được. Tưởng họ lên đây không lụt nữa nhưng té ra lên đây lại lụt thêm. Trong 2 năm 2017-2018 ở đây bị lụt; gà heo chết hết, mình thấy rất khó khăn”, bà Năng nói.
Trước thực trạng tại các khu tái định cư dự án thủy điện, UBND huyện A Lưới đã giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đề xuất Sở Xây dựng tỉnh tiến hành kiểm định chất lượng. Sau khi có kết quả thẩm định của Sở Xây dựng, huyện sẽ có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung hỗ trợ kinh phí để người dân khu tái định cư sửa chữa lại nhà; đầu tư hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển nông sản.
Riêng về hỗ trợ sản xuất, UBND huyện A Lưới yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Khuyến Nông lâm ngư huyện kiểm tra diện tích đất, xác định tầng canh tác có phù hợp với sản xuất lúa nước hay không, đồng thời xây dựng bờ vùng bờ thửa nhằm có phương án xử lý phù hợp. Huyện cũng sẽ cấp thêm 5 héc ta đất ở khu vực suối Kiền Kiền để người dân sản xuất các loại hoa màu.
Ông Nguyễn Đức Phú, Trạm trưởng Trạm Khuyến Nông lâm ngư, huyện A Lưới cho biết, đơn vị đang kiểm tra, khảo sát, xây dựng phương án hỗ trợ giống và phân bón cho bà con:
“UBND huyện vừa phê duyệt phương án trước mắt hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho bà con với trị giá tổng phương án phê duyệt là 1 tỷ 230 triệu đồng triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc và công cụ sản xuất lao động cho dân. Về chuyển đổi sản xuất lúa sang chăn nuôi thì thủy điện đã thống nhất chủ trương, họ hứa trong tháng 9 này sẽ chuyển tiền để thực hiện hợp phần này”, ông Đức Phú nói.
Nhiều nhà dân ở khu tái định cư thủy điện A Lưới, xuống cấp nứt nẻ
|
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người dân ở khu tái định cư thủy điện A Lưới, nhiều năm qua UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ giúp dân trồng mây dưới tán rừng tạo thêm nguồn sinh kế. Ngoài ra, UBND huyện A Lưới đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung đầu tư kinh phí để cải tạo đất cũng như xây dựng trạm bơm phục vụ cho việc sản xuất lúa nước, giúp người dân ổn định sinh kế lâu dài.
“Đối với đất ở tái định cư thủy điện A Lưới hiện nay có 15 héc ta đất sản lúa nước, đất rất xấu, đất đá. Do tỉnh trước đây khảo sát không kỹ, hiện chỉ có 9 héc ta khai thác được trồng lúa nước. Hiện nay huyện đang làm phương án chở đất ở ngoài vào, đắp lên trên sau đó để bà con canh tác nhưng kinh phí rất khó khăn, cũng mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho huyện”, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết./.
Điều tra làm rõ trách nhiệm vụ rừng phòng hộ A Lưới bị chặt phá
Thừa Thiên-Huế: Động đất 3,4 độ richter ở huyện A Lưới