Dân xứ Quảng “kêu trời” vì khai thác cát ồ ạt gây sạt lở bờ sông

VOV.VN - Doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát tranh thủ thời tiết tạnh ráo đục khoét lòng sông để “trữ” cát cho mùa mưa, gây sạt lở hai bên bờ sông

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn thuộc các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam diễn ra ồ ạt.

Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát tranh thủ thời tiết tạnh ráo đục khoét lòng sông để “trữ” cát cho mùa mưa. Đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở hai bên bờ sông, làm suy giảm lượng bùn cát đổ về hạ lưu khiến cửa sông liên tục bị sạt lở.

Doanh nghiệp tranh thủ giấy phép cấp ồ ạt hút cát dưới sông Vu Gia.

Mùa mưa đến, bà con thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam càng thêm lo sợ tình trạng khai thác cát sẽ cuốn trôi nhà cửa, vườn tược. Mấy năm trở lại đây, bãi cát ven sông bị đào xới tan tành. Hàng chục người bỏ cả công việc đồng áng ra bãi cát ven sông Thu Bồn dựng lều can ngăn, không cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác cát.

Bà con còn ký đơn kiến nghị tập thể gửi các cấp chính quyền và ngành chức năng, đề nghị dừng ngay việc khai thác cát. Bà Nguyễn Thị Liền, người dân thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên cho biết, trước đây, tình trạng khai thác cát, sạn trên sông diễn ra lén lút vào ban đêm, nay khi được tỉnh cấp giấy phép họ đã đưa phương tiện cơ giới vào khai thác cả ngày lẫn đêm khiến lòng sông bị biến dạng, sạt lở diễn ra ngày càng nhanh: “Dân chúng tôi ra đây để giữ. Cử 5 người trực 1 ngày để đón xe, không cho chở cát; đồng thời giữ làng, giữ xóm, giữ bãi cát ni lại chớ không thì trôi mất lấy chi ở. Mùa mưa xuống dân chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cứ lo miết, cũng như trên Sông Bung lở hồi mô không hay, không biết sống chết ra răng”.

Tại đoạn sông ở thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Công ty TNHH  Phạm Thăng Long được tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Diện tích mỏ rộng 4,4 ha, công suất 32.000 m3/năm, thời gian khai thác kéo dài gần 5,5 năm. Người dân ở đây cho biết, 6 tháng qua doanh nghiệp này ồ ạt đưa phương tiện cơ giới như: xe múc, xe chở cát vào khai thác vô tội vạ, xới tung cả lòng sông.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi bà con kiến nghị tập thể, chính quyền đã tổ chức họp dân để giải thích, đồng thời tạm dừng việc khai thác cát khu vực này.

 “Thẩm quyền cấp phép là của tỉnh, quyền quản lý là của huyện, địa phương chỉ hỗ trợ tham gia phối hợp. Nhân dân họ bảo lấy biểu quyết cho phép hay không cho phép, đây không phải thẩm quyền của xã. Trước đây tình trạng hút cát sạn dưới lòng sông ít lắm. Khi hỏi ra thì biết là UBND tỉnh cấp phép. Doanh nghiệp lợi dụng trong phạm vi khai thác rồi còn xỉa ra bên ngoài chút”, ông Hùng nói.

Hiện nay, dọc sông Thu Bồn và Vu Gia có đến hơn 20 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép hoạt động, trữ lượng khai thác lên đến hàng triệu mét khối. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đại Lộc có đến 17 doanh nghiệp được tỉnh cấp giấy phép, với 19 mỏ cát. Mỗi năm, địa phương này đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm kè chống sạt lở, nhưng với mật độ trung bình trên đoạn sông Vu Gia, cứ mỗi ki lô mét có một mỏ cát thì nguồn kinh phí để “vá” bờ sông quá lớn.

Việc khai thác cát tại khu vực Hà Nha-Vĩnh Phước, Đại Đồng, Đại Lộc đã tạo thành dòng chảy mới trên sông Vu Gia, gây nguy cơ sạt lở đất.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Doanh nghiệp được cấp phép mỏ đều nằm trong quy hoạch hết. Chồng chéo thì không chồng chéo nhưng số lượng mỏ nằm trong khu vực đó hơi nhiều. Đại Lộc hiện nay có 19 mỏ, so với chiều dài sông Thu Bồn và Vu Gia thì mật độ tương đối nhiều. Kiến nghị nên hạn chế cấp phép mới”.

Khi địa phương lên tiến về vụ việc cấp phép ồ ạt gây xói lở lòng sông, dư luận bức xúc thì tỉnh Quảng Nam mới có động thái kiểm tra việc cấp phép khai thác cát sạn.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Nam cho biết, sắp đến sẽ tiến hành rà soát lại những đơn vị được cấp phép... để cứu nguy các dòng sông: “Bây giờ họp quy hoạch lại. Sau Chỉ thị số 17 ngày 18/5, dẹp hết. Cát trước đây phục vụ cho đường cao tốc, Quốc lộ 1A bây giờ “gom” lại hết. Doanh nghiệp phải chứng minh đầy đủ năng lực tài chính, năng lực về kỹ thuật, phương pháp thi công để đảm bảo”.

Theo các chuyên gia, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam những năm gần đây một phần do thiếu hụt lượng cát rất lớn từ thượng lưu sông Thu Bồn đổ về. Sự thay đổi dòng chảy khiến lượng cát bồi lấp không đều, dẫn đến sạt lở mạnh. Trung ương, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chống sạt lở bờ biển Cửa Đại. Thế nhưng, mùa mưa năm nay, khu vực này vẫn tiếp tục sạt lở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao người dân đánh đắm tàu cuốc hút cát?
Vì sao người dân đánh đắm tàu cuốc hút cát?

VOV.VN - Do quá bức xúc, người dân đã có hành động tự phát đánh đắm con tàu cuốc hút cát số 19 của Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Phúc Lợi.

Vì sao người dân đánh đắm tàu cuốc hút cát?

Vì sao người dân đánh đắm tàu cuốc hút cát?

VOV.VN - Do quá bức xúc, người dân đã có hành động tự phát đánh đắm con tàu cuốc hút cát số 19 của Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Phúc Lợi.

Dân vây nhà chủ tịch xã để phản đối hút cát
Dân vây nhà chủ tịch xã để phản đối hút cát

Huyện Tuy An (Phú Yên) đang xem xét tạm dừng thực hiện dự án nạo vét đất cát bồi lấp, thông luồng cảng cá Tiên Châu - lạch Vạn Củi.

Dân vây nhà chủ tịch xã để phản đối hút cát

Dân vây nhà chủ tịch xã để phản đối hút cát

Huyện Tuy An (Phú Yên) đang xem xét tạm dừng thực hiện dự án nạo vét đất cát bồi lấp, thông luồng cảng cá Tiên Châu - lạch Vạn Củi.