Chìa khóa nào để trường nghề thêm hấp dẫn với thí sinh?
VOV.VN -Trong năm 2018, hệ thống GDNN đã có những bước tiến đáng kể, song vẫn cần thêm những nỗ lực từ nhiều phía để tiếp tục đạt được hiệu quả cao.
Đây là nội dung được nêu ra trong buổi Ký kết hợp tác Chương trình thông tin, tuyên truyền Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2018-2020 giữa Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH).
Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) ký kết hợp tác. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, công tác đào tạo nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Song thực tế hiện nay, không ít phụ huynh và học sinh vẫn có tâm lý phải vào bằng được đại học, phải làm “ông này bà kia”. Điều này không còn phù hợp trong bối cảnh đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Muốn thay đổi nhận thức buộc phải tuyên truyền. Với Đài Tiếng nói Việt Nam, không chỉ kênh VTC2 chuyên về dạy nghề, các kênh khác của Đài từ phát thanh đến truyền hình, báo in, báo điện tử đều sẽ tham gia tích cực vào tuyên truyền cho công tác dạy nghề. Chúng tôi mong muốn kênh VTC2 cũng như các kênh khác của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tuyên truyền tốt, để người dân có thể thay đổi nhận thức về việc học nghề”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. |
Nói về công tác GDNN trong thời gian qua, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, hệ thống GDNN cũng đã đạt được những thành công nhất định, trong đó có sự đồng hành, vào cuộc của hệ thống các cơ quan truyền thông nói chung.
Song lĩnh vực này vẫn đang gặp phải những thách thức: “Năng suất lao động của Việt Nam chưa cao. Một trong các nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa tốt. Điều này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất là vấn đề đào tạo nhân lực, công nhân kỹ thuật, những người có trình độ kỹ thuật cao chưa được đầu tư đầy đủ và đúng mức. Chúng ta có khoảng 56% lao động qua đào tạo, nhưng thực chất chỉ có 22% có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. Tại các nước phát triển, mô hình đào tạo nguồn nhân lực theo hình củ khoai tây, phình ở giữa và nhỏ dần ở 2 đầu. Đây là mô hình phát triển nhân lực rất tốt, nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại.
Tỷ lệ người có trình độ đại học cao hơn rất nhiều số người làm công nhân kỹ thuật. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này do nhận thức của xã hội còn nhiều điểm chưa đến nơi đến chốn, còn tâm lý chuộng bằng cấp”.
Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khi một lượng lớn sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm, làm việc có thu nhập không cao, thì xã hội cần nhìn nhận lại vấn đề.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ ký kết. |
Liên hệ tại Australia, Bộ trưởng Dung cho hay, có đến 55% người dân nước này đã qua đào tạo nghề. 15% số người học đại học xong quay lại học trường nghề. Đáng chú ý, hàng năm tất cả các cán bộ công chức đều đến các trường nghề để học. Thống kê cũng cho thấy, 22,5% người có học qua trường nghề có thu nhập cao hơn những người khác.
Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, tư lệnh ngành LĐ-TB-XH cho rằng, GDNN đang có những bước chuyển rõ rệt sau khi đã sắp xếp gọn lại bộ máy. Nhiều trường nghề thu hút các thí sinh đạt điểm cao, tuyển sinh gắn với cam kết đầu ra, đảm bảo việc làm cho sinh viên…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để hệ thống GDNN phát triển hơn nữa, bên cạnh sự nỗ lực của các trường, công tác tuyên truyền giữ vai trò rất quan trọng. Thông qua hệ thống truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, các bậc cha mẹ sẽ dần thay đổi nhận thức, từ đó thành công của GDNN mới thực sự vững chắc.
Theo nội dung ký kết hợp tác, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) hỗ trợ Tổng Cục GDNN tuyên truyền về lĩnh vực GDNN trên sóng của VTC và các kênh của VOV với các nội dung sau: Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về GDNN, tuyên truyền chủ trương của Đảng về GDNN, đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Tuyên truyền về giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xu thế cuộc CMCN 4.0; các nội dung về công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế, cải cách hành chính trong giáo dục nghề nghiệp; Quảng bá hình ảnh GDNN, tuyên truyền về GDNN trong công tác tuyển sinh; sự phối hợp giữ nhà trường và doanh nghiệp trong GDNN. Tuyên truyền về các kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới, tôn vinh các cá nhân, tập thể, điển hình, tuyên truyền về các mô hình, cá nhân tiên tiến trong GDNN…
Các nội dung này được truyền tải thông qua các hội thảo, hội nghị, sự kiện, chương trình tọa đàm về GDNN, xây dựng các chương trình chuyên biệt về GDNN trên kênh VTC2 và trên một số kênh sóng khác của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng Cục GDNN giữ vai trò cung cấp các thông tin định hướng về GDNN, triển khai tuyên truyền theo yêu cầu từng giai đoạn, thông tin kịp thời về GDNN, mô hình điển hình, tiên tiến./.
Không thể chỉ dạy nghề lao động chân tay mãi được
Gương mặt thân quen: Phượng Vũ hát Về đây nghe em, song Linh tranh cãi
Chất lượng đại học, dạy nghề sẽ được đánh giá theo khung
Giáo dục dạy nghề: Ai quản lý cho hiệu quả?
Giáo dục dạy nghề nên để Bộ nào quản lý?