Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc: CP90 và dấu ấn cuộc đời

VOV.VN -“Chúng tôi đã sống những ngày đẹp nhất, ý thức của người công dân được phát huy ở mức cao nhất, để từ đó trưởng thành”.

Niềm vui không hẹn trước

Nghe nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc kể chuyện xưa trong tâm trạng vời vợi nỗi nhớ, tôi bất giác cảm thấy bà chưa bao giờ rời xa những ngày tháng làm việc ở ngôi nhà CP90 - mật danh của Đài Phát thanh Giải Phóng trong kháng chiến chống Mỹ. “Chúng tôi đã sống những ngày đẹp nhất, ý thức của người công dân được phát huy ở mức cao nhất, để từ đó trưởng thành”, nhà báo Kim Cúc chia sẻ niềm tự hào.

 

Sau 5 năm làm việc, từ 1970 - 1976 tại Đài Phát thanh Giải phóng A ở miền Bắc, đến nay, 42 năm đã trôi qua nhưng nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc vẫn không thể nào quên buổi đầu đến với CP90.

Đó là năm 1970, cô sinh viên Nguyễn Thị Kim Cúc vừa tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cầm quyết định về CP90 công tác mà băn khoăn, không biết đó là cơ quan nào. Vào một sáng mùa thu tháng 9 năm ấy, Kim Cúc tìm đến địa chỉ 56 Quán Sứ, Hà Nội (trụ sở của Đài Phát thanh Giải Phóng A) để nộp quyết định nhận việc, lòng chất chứa những hồi hộp... “Cho đến khi gặp được nhà báo Nguyễn Thành - lúc đó là Giám đốc và Trưởng ban Biên tập của CP90, nghe ông nói đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tôi muốn reo lên vì vui mừng bởi thế là mình được làm báo rồi, thỏa nguyện ước mơ làm phóng viên của mình”, nhà báo Kim Cúc vui vẻ nói.

Vốn là người ưa hoạt động nên khi được phân công về Phòng A1 (Phòng Thời sự), Kim Cúc hăng hái lắm. Bà nhớ lại: “Lúc ấy, phòng có nhiều người trẻ, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, sau này mới biết đa số các anh chị cũng học cùng Khoa Ngữ văn với tôi, và còn có các anh, chị ở miền Nam, có người từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên các thành thị miền Nam”.

Công việc của Phòng Thời sự lúc đó là nhận và phát sóng tin, bài của phóng viên chiến trường từ miền Nam, trong đó có các tin chiến thắng của quân và dân miền Nam, động viên khí thế nhân dân hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiệm vụ của các biên tập viên là biên soạn lại tin, bài, dựng các chương trình phát thanh rồi chuyển cho các phát thanh viên giọng Nam bộ đọc để phát sóng. Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc chia sẻ: “Công việc lặng thầm nhưng chúng tôi làm với tinh thần của một người lính ngoài mặt trận: Hoàn thành công việc với trách nhiệm cao nhất, từng tin, bài được biên tập, xử lý kỹ càng, không để xảy ra bất cứ sơ suất nào trên sóng, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ, nhất là phải hiểu và dùng từ cho đúng với ngôn ngữ của miền Nam... Với những tin chiến thắng của quân và dân hai miền Nam - Bắc, khi nhận được, dù vào ban ngày hay buổi đêm khuya khoắt, chúng tôi cũng lập tức xử lý, và đạp xe từ phố Quán Sứ sang phố Bà Triệu đưa tin, bài, chương trình đó tới các phát thanh viên để kịp lên sóng một cách nhanh nhất”.

Một miền ký ức...

5 năm làm việc ở CP90 đã nhân lên trong Kim Cúc tinh thần trách nhiệm của người làm báo. Và hơn thế nữa, còn để lại trong Kim Cúc dòng ký ức ăm ắp kỷ niệm. Năm 1973, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc được cử vào Quảng Trị công tác, phản ánh cuộc mít tinh của bà con vùng giải phóng Quảng Trị nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. “Khi đặt chân đến cầu Bến Hải bắc qua sông Hiền Lương - con sông ngăn cách hai miền đất nước, dòng sông thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam, tôi xúc động đến nghẹn ngào”, nhà báo Kim Cúc chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN.

Chợt bà dừng lời, im lặng hồi lâu, chừng như đang đắm mình vào quá khứ... Và rồi nhà báo Kim Cúc nhắc tới một kỷ niệm mà bà bảo: “Kỷ niệm này đi theo tôi suốt cả cuộc đời”, đó là được cùng các đồng nghiệp của Phòng A1 như: Đào Quang Cường,  Trần Đức Nuôi, Trương Cộng Hòa, Yến Tuyết… tham gia xây dựng chương trình phát thanh đặc biệt để chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhà báo Kim Cúc kể về sự kiện cách đây đã 43 năm một cách hào hứng, nhưng trong khóe mi bà ẩn những giọt nước mắt chực dâng đầy: “11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, Gia Định giải phóng. Trong buổi giao ban vào lúc gần 12h trưa hôm đó, nhà báo Nguyễn Thành tập hợp cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, ca sĩ và thông báo: Hôm nay, đất nước chúng ta được thống nhất, cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên nóc Dinh Độc lập. Nghe tin ấy, tất cả chúng tôi dâng lên niềm xúc động. Các anh, các chị quê ở Nam bộ òa khóc. Hạnh phúc đến nghẹn lời”. Sau đó, được Giám đốc, Trưởng ban Biên tập của CP90 Nguyễn Thành giao nhiệm vụ làm chương trình phát thanh đặc biệt để chào mừng ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Phòng Thời sự kết hợp với các phòng Phụ nữ, Thanh niên, Binh vận, Văn nghệ... cùng tìm tài liệu, bài hát, thảo luận xem xây dựng một chương trình phát thanh thế nào cho thật trang trọng, thể hiện được niềm hân hoan trọn vẹn của toàn dân Việt Nam trước sự kiện quan trọng đó, để kịp phát sóng ngay trong ngày vui của cả nước.

Tối đó, làm xong chương trình phát thanh đặc biệt, nhà báo Kim Cúc và các đồng nghiệp đi bộ ra Bờ Hồ. “Một khung cảnh như chỉ có trong mơ. Thông tin nói về giải phóng miền Nam phát ra từ chiếc loa to ở Tràng Tiền, người dân Hà Nội náo nức nghe rồi vẫy cờ tung hô, reo hò. Không khí náo nhiệt, bừng sáng từng khuôn mặt người dân. Cứ vậy, tôi đi theo dòng người ấy, nao nao xúc động”, nhà báo Kim Cúc nhớ lại những giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy.

Đến tháng 8/1976, sau 14 năm hoạt động (1962 - 1976), Đài Phát thanh Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh của mình, khẳng định được vị thế của một cơ quan truyền thông trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc và nhiều đồng nghiệp sau đó được phân công về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Hành trang bà mang theo là niềm tự hào vô bờ về những năm tháng làm việc không kể ngày đêm tại CP90.

Tháng 12 năm 2017, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc cùng Ban liên lạc của CP90 đã có chuyến trở lại Tây Ninh thăm căn cứ xưa của Đài Phát thanh Giải phóng B tại rừng Lò Gò, huyện Tân Biên - nơi nhiều đồng nghiệp của bà đã sống và làm việc trong những tháng ngày gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Nhà báo Kim Cúc đau đáu nhìn vào khoảng không, thoáng lặng người, không gian quanh bà như chùng xuống: “Nhìn Bia tưởng niệm chiến sĩ, liệt sĩ Đài Phát thanh Giải phóng với danh sách 25 liệt sĩ là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, nước mắt chúng tôi tuôn rơi. Dường như, cả một quá khứ hào hùng hiển hiện sau làn khói hương trầm mặc”./.

 “5 năm làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng A trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khơi lên tình yêu nghề nghiệp, nuôi dưỡng niềm đam mê, tâm huyết và trách nhiệm với nghề báo trong tôi”. Những tháng năm không thể nào quên ấy, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam gọi đó là một dấu ấn cuộc đời.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đài Phát thanh giải phóng-Niềm tự hào CP 90
Đài Phát thanh giải phóng-Niềm tự hào CP 90

VOV.VN -Với những đóng góp của mình, Đài phát thanh Giải Phóng vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đài Phát thanh giải phóng-Niềm tự hào CP 90

Đài Phát thanh giải phóng-Niềm tự hào CP 90

VOV.VN -Với những đóng góp của mình, Đài phát thanh Giải Phóng vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên
Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên

VOV.VN -Đài Phát thanh Giải phóng giữ vững làn sóng, trở thành người bạn tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với LLVT nhân dân miền Nam.

Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên

Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên

VOV.VN -Đài Phát thanh Giải phóng giữ vững làn sóng, trở thành người bạn tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với LLVT nhân dân miền Nam.