Dấu hiệu ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Xi măng Bắc Kạn
VOV.VN - Hàng loạt nhà xưởng trong khuôn viên nhà máy của công ty CP Xi măng Bắc Kạn tại thành phố Bắc Kạn dù chưa có các thủ tục pháp lý về môi trường nhưng vẫn hoạt động nhiều năm qua.
Nguồn nước sinh hoạt có dấu hiệu ô nhiễm và người dân xung quanh nhà máy phải chịu mùi hôi, khét khó chịu.
Vài tháng qua, công nhân mỏ khai thác đá Cốc Ngận tại khu vực Suối Viền, tổ 6, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn không khỏi lo lắng cho sức khỏe bản thân khi thường xuyên phải ngửi mùi hôi, khét do những cột khói từ phía nhà máy thuộc Công ty cổ phần Xi Măng Bắc Kạn cách chừng 200m tỏa ra.
Anh La Thái Trịnh, một người dân tổ 7, phường Xuất Hóa hiện làm công nhân mỏ đá cho biết: “Mùi khó chịu lắm, không thở được, lúc nào cũng phải có 2 lớp khẩu trang ấy. Anh em buổi tối không muốn mở cửa vì mùi lạ lạ, cay cay. Vì thế anh em buổi tối ở đây không dám mở cửa, phải thay hết cửa bằng cửa kính để hạn chế không khí từ ngoài vào và phải lắp thêm cả điều hòa nữa”.
Ngoài mùi hôi, khét khó chịu, nguồn nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan của mỏ đá Cốc Ngận cũng đã xuất hiện màu đục, nổi váng đen và mùi lạ. Công nhân ở đây cho biết, mương nước chảy từ khu vực Nhà máy Xi măng qua mỏ đá và đổ về phía sông Cầu thi thoảng có xuất hiện váng dầu và mùi khó chịu, đây có thể là nguyên nhân khiến nước giếng có dấu hiệu bất thường.
Đơn vị buộc phải đặt thêm hệ thống lọc trước khi bơm nước lên bể chứa, trước khi sử dụng phải lọc lại lần thứ 2 bằng máy R.O. Và dù đã lọc đến lần 2 thì cũng chỉ vài ngày, củ lọc của máy R.O lại xuất hiện màu đen và phải thay mới. Nước giếng này cũng chỉ dành cho một số sinh hoạt thông thường, còn nước uống phải mua nước tinh khiết đóng chai.
“Nước có mùi như cao su ấy, hôi lắm, không chịu được đâu, nếu không qua lọc thì xả trực tiếp như này không chịu được đâu, đau đầu lắm. Qua máy lọc to rồi lại qua lần máy lọc nhỏ nữa thì mới đỡ mùi đấy”, chị Hoàng Thị Len, công nhân mỏ đá cho hay.
Ngoài mỏ đá Cốc Ngận, cách nhà máy xi măng không xa còn có Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn cùng một số đơn vị sản xuất, kinh doanh khác. Riêng cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 170 học viên và 24 cán bộ, nhân viên. Từ khu vực hành chính của cơ sở này có thể quan sát rõ các cột khói đậm màu phía trong nhà máy xi măng Bắc Kạn. Ông Ma Đức Thủy, Giám đốc cơ sở cai nghiện cho biết do nước giếng xuất hiện mùi lạ nên đơn vị đã phải lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và hiện vẫn đang chờ kết quả.
“Khi buổi sáng và cả tối nữa có mùi khét khét của chưng cất lốp cao su hay Asphalt gì đó. Còn sáng thì có khói, bụi, dù không nhiều như lò sản xuất xi măng trước kia nhưng khói, mùi hôi vẫn ảnh hưởng đến đơn vị. Chúng tôi cũng động viên anh em học viên cố gắng thôi, vì họ ở đây cai nghiện 2 năm, nếu khói bụi, mùi hôi khét lâu dài hàng ngày hàng đêm thì chắc chắn sẽ tác động đến anh em học viên”, ông Thủy nói.
Nhà máy xi măng Bắc Kạn sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, buộc phải đóng cửa, năm 2018 đã được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất gạch công nghệ cao, quy mô hơn 30 triệu viên/năm. Tuy nhiên, năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn lại điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư nhằm “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp khi phát hiện ở đây ngoài nhà máy gạch còn có thêm nhà xưởng chưng cất dầu FO-R từ cao su phế thải (chủ yếu là lốp xe), một xưởng sản xuất đũa và 1 trạm trộn bê tông Asphalt…đều đã đi vào hoạt động. Được tạo điều kiện do “sự đã rồi”, đến tháng 2/2021, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn cho cả 4 loại hình sản xuất (Gồm 2 xưởng chiết xuất dầu FO-R, 1 nhà máy gạch, 1 xưởng sản xuất đũa và 1 trạm trộn bê tông Asphalt) đã được thông qua.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường để cấp Giấy phép. Một trong những lý do được đưa ra là cơ quan chức năng vẫn còn phải xem xét tính pháp lý của việc đơn vị đăng ký chưng cất dầu công nghiệp FO-R theo công nghệ các nước nhóm G7 nhưng sau đó lại được phát hiện các thiết bị, máy móc có xuất xứ từ Trung Quốc. Dù chưa có giấy phép môi trường, nhưng thực tế hầu hết các nhà xưởng vẫn hoạt động đều đặn nhiều năm qua.
“Về thủ tục thì tất cả đều không được phép hoạt động. Về thực tế, do chưa xác nhận công trình bảo vệ môi trường nên nhà máy chưa thể sản xuất được, do đó, Sở TN&MT cũng chưa nắm được trong ấy họ đã hoạt động nên thực tế sở cũng chưa kiểm tra khu vực này. Bên cạnh đó, còn do vướng dịch COVID-19 và thực hiện Chỉ thị số 20 của Chính phủ hạn chế kiểm tra các doanh nghiệp”, ông Nông Đức Di, Trưởng phòng Môi trường- Sở TN&MT Bắc Kạn khẳng định.
Hoạt động sản xuất gạch, trộn bê tông Asphalt và đặc biệt là chưng cất dầu FO-R từ cao su phế thải đều là những lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở chế biến của Nhà máy Xi Măng Bắc Kạn vẫn hoạt động bình thường nhiều năm qua cho dù chưa đáp ứng thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định là thực tế không thể chối cãi. Hệ quả nhãn tiền là hàng trăm con người xung quanh nhà máy đang phải lo lắng, bất an cho cuộc sống, sức khỏe của mình./.