Đầu tư cho phát thanh dân tộc là bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người
VOV.VN -Đầu tư cho phát thanh dân tộc là đầu tư vì sự phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người.
Phát thanh dân tộc được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo công bằng thông tin, bảo tồn văn hóa tộc người, nhưng hiện nay chưa phát triển tương xứng với yêu cầu đặt ra. Vấn đề này được đưa ra tại Hội thảo bàn về Định hướng phát triển tiếng dân tộc thiểu số trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) được tổ chức sáng 27/5 tại Hà Nội.
Thính giả dân tộc thiểu số được đánh giá là yếu thế, dễ bị tổn thương, hầu hết sống ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Phát thanh dân tộc được đánh giá là kênh truyền thông đặc biệt có ưu thế với đồng bào, vì nhiều người không đọc/nghe được tiếng phổ thông, không biết chữ phổ thông/dân tộc.
Tại Hội thảo, ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, hiện nay, nhiều dân tộc không được dạy tiếng nói/chữ viết trong trường học; tỷ lệ người dân tộc thiểu số không biết tiếng mẹ đẻ ngày càng cao, nhất là lớp trẻ.
Vì vậy, cần quan tâm đầu tư cho phát thanh dân tộc từ trung ương tới địa phương với mục tiêu trung hạn và ngắn hạn; đầu tư hạ tầng, nhân lực tại VOV và các đài địa phương; trang bị phương tiện nghe đài cho đồng bào; tính toán số lượng các thứ tiếng phát sóng; xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu, nhận thức, văn hóa, tính vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Một chương trình phát thanh tiếng Gia rai
Theo ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, mặc dù đang thời đại bùng nổ thông tin nhưng bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vẫn “đói” thông tin. Phát thanh dân tộc, ngoài vấn đề tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, cần chú ý tới vấn đề bảo tồn văn hóa; đối tượng của các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số, song song với đồng bào đang sống ở vùng nông thôn, là nhóm đối tượng hàng triệu thanh niên đang sống ở thành thị mà văn hóa dân tộc đang bị mài mòn dần.
Năm 2017, Uỷ ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án thí điểm cấp phát đài cho người dân tộc thiểu số. Trước mắt, thí điểm ở 10 địa phương; đảm bảo số lượng, chất lượng và độ bền radio từ 5 năm trở lên.
Hiện nay, VOV đang phát 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Mông, Dao, Cơ tu, Ba na, Gia rai, Xơ đăng, Ê đê, M’nông, Cơ ho, Chăm, Khmer. Hơn 40 Đài PT-TH địa phương có chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số. Nhưng hiệu quả của phát thanh dân tộc thiểu số đến đâu?
Cách làm phát thanh dân tộc đang thiếu cảm xúc, nặng về độc thoại
Theo PGS.TS Vũ Quang Hào, không thể tiếp cận thính giả dân tộc thiểu số như thính giả phổ thông. Cách làm phát thanh dân tộc đang thiếu vắng 3 điểm quan trọng: thiếu cảm xúc, nặng về độc thoại (dịch-đọc), người nghe chưa thấy được lợi ích của mình.
Vì vậy, theo PGS.TS Vũ Quang Hào, truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số cần đặt người nghe vào trung tâm, tăng tần suất xuất hiện của đồng bào. Lý tưởng nhất với phát thanh dân tộc là người dân tộc thiểu số làm phát thanh cho cộng đồng của mình. Đây là điều mà VOV và gần như các đài địa phương còn đang hướng tới.
GS.TS Nguyễn Văn Khang, Viện ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng, gần 30 dân tộc thiểu số ở nước ta chưa có chữ viết thống nhất, hoặc chưa có chữ. Lựa chọn ngôn ngữ nào để làm chương trình phát thanh cần tính đến phổ rộng trong cả nước đối với ngôn ngữ đó, ngôn ngữ xuyên biên giới, thuộc dân tộc có sức ảnh hưởng lớn và có số dân đông.
Hiện nước ta có 5 dân tộc có số dân trên 1 triệu người thì VOV đã có chương trình phát thanh cho 3 dân tộc, là Khmer, Mông, Thái. Một số nhà khoa học cho rằng với những dân tộc đông dân, tầm ảnh hưởng lớn, VOV làm chương trình phát thanh dành cho đồng bào. Còn với những dân tộc ít dân hơn, là nhiệm vụ của các Đài phát thanh địa phương. Quan điểm khoa học là các dân tộc đều bình đẳng về quyền được thông tin, trong đó, ưu tiên những dân tộc yếu thế, ưu tiên những dân tộc đang có nguy cơ mất ngôn ngữ.
Thông tin từ thạc sĩ Nguyễn Lan Phương,Vụ Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin truyền thông (TT-TT), vấn đề truyền thông về cơ sở hiện nay chưa được đầu tư thỏa đáng, thông tin nghèo nàn, thiết bị lạc hậu, đội ngũ làm truyền thông yếu và thiếu. Bộ TT-TT đang quan tâm tới việc lập mới trên 2.000 đài cấp xã, nâng cấp trên 3200 đài xã, nâng cấp 300 đài huyện và thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn bản. Đây sẽ là một trong những nền tảng để VOV và Đài PT-TH các tỉnh mở rộng diện phủ sóng của mình tới những vùng sâu, vùng lõm thông tin.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV phát biểu tại Hội thảo
Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dân tộc miền núi, đảm bảo quyền được thông tin bình đẳng giữa các dân tộc, góp phần bảo tồn tiếng nói chữ viết – văn hóa dân tộc thông qua việc làm phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Tổng Giám đốc VOV đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cần tạo nguồn lực thỏa đáng để triển khai thực hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới công tác dân tộc tiếp theo rất nhiều chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã được ban hành.
Theo Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ, trên sóng đài quốc gia có thể tập trung phát sóng 5-6 ngôn ngữ, các thứ tiếng khác sẽ phát sóng ở khu vục, cấp tỉnh, huyện, thậm chí phát thanh cộng đồng; tăng cường làm phát thanh theo hướng truyền thông cộng đồng, tư vấn chỉ dẫn, dễ dàng tích hợp và lưu trữ trên các mạng di dộng, internet.
Bên cạnh đó là phối hợp đào tạo nhân lực cho phát thanh dân tộc từ cấp quốc gia tới cấp cơ sở; VOV và các Đài PT-TH địa phương phối hợp, hợp tác làm phát thanh dân tộc hiệu quả để không chồng chéo, lãng phí nguồn lực./.
Định hướng phát triển phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trên sóng VOV
Ngày Phát thanh Thế giới 2017 có chủ đề “Phát thanh chính là BẠN”
VOV công bố phát sóng FM Kênh phát thanh Dân tộc Quốc gia