Định hướng phát triển phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trên sóng VOV
VOV.VN - VOV đã phát sóng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Mông, Thái, Dao, Ê đê, Ba na, Gia rai, K’ho, M’nông, Xơ đăng, Chăm, Khơ me, Cơ Tu
Sáng 27/5, Đài Tiếng nói việt Nam (VOV) tổ chức hội thảo với chủ đề “Định hướng phát triển tiếng dân tộc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; ông Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cùng đông đảo đại biểu, các nhà khoa học; phóng viên, biên tập viên của VOV.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh: Hơn 72 năm qua, từ ngày Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập, tự do, xây dựng Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, công tác dân tộc luôn được quan tâm đặc biệt.
Dù trong hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh vùng miền núi, dân tộc; đồng thời, bảo đảm quyền bình đẳng của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, khuyến khích và giúp đỡ các dân tộ thiểu số giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết và nền văn hoá của tộc người mình.
Nước ta hiện có hơn 13 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở vùng núi cao, biên giới, những vùng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ mù chữ mẹ đẻ ở nhiều dân tộc còn cao, gần 22%, trong đó có 6 dân tộc tỷ lệ mù chữ mẹ đẻ lên tới 50%.
Trong rất nhiều khó khăn, thiếu thốn của bà con thì tình trạng đói thông tin, hạn chế kiến thức, tri thức, tầm nhìn là phổ biến. Vì lẽ đó, bà con ta gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, lúng túng trong giữ gìn và phát huy bản sắc tộc người.
Nhận rõ vai trò của công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, ngay từ năm 1956, VOV đã tiến hành sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số với mục tiêu tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công cuộc kháng chiến, kiến quốc, góp phần nâng cao dân trí, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cho đến thời điểm này, VOV đã phát sóng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Mông, Thái, Dao, Ê đê, Ba na, Gia rai, K’ho, M’nông, Xơ đăng, Chăm, Khơ me, Cơ Tu với thời lượng phát sóng gần 30 giờ hàng ngày.
Trong chiến lược phát triển theo xu hướng truyền thông hiện đại, VOV hiện là cơ quan truyền thông đa phương tiện duy nhất có tất cả các loại hình phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử… Trong đó, VOV luôn xác định ưu tiên phát triển các kênh phát thanh chủ lực như: Thời sự chính trị, Đối ngoại và kênh phát thanh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV cùng các đại biểu dự Hội thảo. |
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận có thể thấy các cách thức tổ chức sản xuất, vận hành của hệ thống phát thanh dân tôc tại VOV cũng như các đài tại địa phương đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chỉ rõ những vấn đề mà VOV cần tập trung giải quyết để đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trên sóng VOV.
Hội thảo bàn về cá cơ sở chính trị, khoa học và thực tiễn để quyết định tiêu chí mở thêm các ngôn ngữ thiểu số mới trên sóng Đài quốc gia.
Đối với 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số tương ứng với 12 chương trình phát thanh dân tộc đã có từ nhiều năm nay ở VOV, cần đổi mới, nâng cao chất lượng từng chương trình về nội dung, cách thứ thể hiện, thời lượng khung chương trình, địa điẻm sản xuất, nơi phát sóng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, hiện nay, nội dung của các chương trình tiếng dân tộc còn thiếu tính chuyên biệt, kết cấu các chương trình phát thanh tiếng dân tộc nhìn chung còn đơn điệu, một chương trình chỉ có thời lượng 30-45 phút và mỗi ngày chỉ có 1 chương trình nên kết cấu của 12 chương trình của 12 tiếng dân tộc tương đối giống nhau, ít cải biến, thay đổi từ nhiều năm nay. Đây là một nhược điểm rất lớn nên VOV rất mong nhận được sự đóng góp của lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các nhà khoa học.
Triển khai dạy học tiếng dân tộc sẽ mở ra cơ hội tốt cho nhiều đối tượng
Tham luận tại hội thảo, TS Vũ Quang Hào cho rằng VOV cần thay đổi cách thức làm phát thanh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới từ cách làm báo, tuyên truyền sang thiên về làm các nội dung dưới hình thức truyền thông cho đồng bào.
Quang cảnh hội thảo.
TS Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD-ĐT) cho rằng, hiện nay nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Không chỉ bản thân người dân tộc thiểu số cần học mà rất nhiều các đối tượng khác cũng cần học, nhất là lực lượng quân đội, an ninh, cán bộ công chức, viên chức.
Vì lý do trên mà việc triển khai dạy học tiếng dân tộc trên đài phát thanh và truyền hình sẽ mở ra một cơ hội tốt cho nhiều đối tượng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai đối với vùng dân tộc và miền núi có ý nghĩa và hiệu quả tác động xã hội rất to lớn.
TS Bùi Văn Thành mong muốn VOV đồng thuận về chủ trương, chắc chắn việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trên đài phát thanh và truyền hình sẽ đạt hiệu quả và chương trình này sẽ được nhân dân ủng hộ và đón nhận tích cực.
Phát thanh rất quan trọng trong phát triển ngôn ngữ dân tộc tộc thiểu số
Đề cập đến vai trò của Đài phát thanh đối với việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, PGS. TS Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam nhấn mạnh: Trên thực tế, cùng với các cuốn từ điển, bản đồ, sách giáo khoa, các văn bản nhà nước, các phương tiện báo chí (báo viết, báo nói, báo hình...) thường có vai trò “làm gương” và có sức lan truyền, ảnh hưởng lớn trong xã hội. Một trong những ảnh hưởng vừa nói, là của ngôn ngữ báo chí tới các dạng ngôn ngữ khác nhau trong đời sống.
Việc đọc, viết đúng và hấp dẫn bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS), trước hết mang lại hệ quả tích cực là khiến người tiếp nhận nhận diện được các thông điệp của nhà báo, đồng thời có thể giúp các ngôn ngữ có điều kiện được sử dụng tức là có được sức sống trong xã hội.
Thực tế đã chứng minh, để bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ DTTS cũng như phổ biến các ngôn ngữ DTTS, bên cạnh việc chế tác và cải tiến chữ viết, biên soạn các sách phục vụ dạy và học tiếng, việc dạy và học, cần tăng cường sử dụng các ngôn ngữ này (tức là cho nó được hành chức tích cực) trong nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trên các ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến về xây dựng Kênh phát thanh chuyên biệt phục vụ đồng bào DTTS, đầu tư cho truyền thanh cơ sở... Các ý kiến đóng góp sẽ được VOV tiếp thu, áp dụng một cách hiệu quả, thiết thực trong quá trình phát triển mô hình tổ chức sản xuất và nội dung phát thanh tiếng dân tộc trên sóng phát thanh quốc gia./.
VOV tăng cường phối hợp với các Đại sứ trong tuyên truyền đối ngoại
VOV tăng cường hợp tác với Đài phát thanh Quảng Tây (Trung Quốc)
Hãng tin toàn cầu AFP tìm kiếm cơ hội hợp tác với VOV